Và rồi những đứa trẻ trưởng thành chưa tới (luôn tưởng rằng mình mạnh mẽ), bỗng thấy chẳng làm được gì ngoài chuyện nghe chị kể chuyện lòng, đợi chờ công lý của trời và của người đâu đó giữa cuộc đời ngổn ngang.
Chuyện là hôm rày tôi cứ khuất mắc mãi trong lòng mãi về câu chuyện của một người vợ và người mẹ. Tôi gặp chị tình cờ và chóng vánh – thoáng qua đời nhau như một cơn gió, mà cơn gió này sao lạnh quá chừng. Chị cười hiền queo, tươi rói vậy mà mấy ai biết sau nụ cười chị cũng tự chẹp miệng nói ” Nó lấy cái cây sắt vớ được trong buồng đánh em”. Đánh cái cong, mà cũng không phải lần đầu trong mấy chục năm chị ở với “nó”, ngó sơ sơ cũng đủ thấy vết bầm từ cánh tay đến gò má. Đỉnh điểm là cho đến lần này (cũng chưa chắc lắm là đỉnh hay là đáy) xương cánh tay chị gãy làm đôi, gãy cái rụp sau cú xuống tay của người từng là chồng.
Nghĩ cũng lạ ghê, chị kể chuyện bị bạo hành mà sao nghe trơ trơ, như chuyện hiển nhiên chị phải chịu. Cái chuyện mà tôi muốn biết là cái gì đã níu chân chị bước ra khỏi cái buồng ngủ hôm đó, chỉ bấy nhiêu đó thôi. “Còn đôi chân, sao chị không chạy ?” Chạy khỏi căn buồng đó hay là chạy cho khỏi cuộc hôn nhân mấy chục năm khiến người chị hằn không ít vết sẹo. Đúng là có chân, nhưng đặng nào chạy cái vèo khỏi cuộc hôn nhân mấy chục năm, rồi thương sao cho đặng hai đứa con thiếu bố. Thế là cả ngày cứ hậm hực mãi trong lòng cho phận phụ nữ, sao phải nghĩ nhiều dữ vậy ? Chồng chị có nghĩ được nhiều đến thế khi vơ cây gậy sắt quật cái vút lên vòng tay từng vun xén cho gia đình? Có bao giờ chồng chị nghĩ đến cái đau của những cái roi đòn đè lên những vết bầm chưa kịp tan ? Sao chị không tự thương lấy mình mà chạy khỏi cái huyệt chồng đào cho mình ?
Như khi một đứa trẻ từng bị con kiến cắn đau, mẹ không dạy thì nó cũng biết né cho khỏi cái tổ kiến lửa trong những lần sau nữa. Thế nên, đôi chân dù mảnh khảnh đến đâu cũng có thể đưa chị rời khỏi cái huyệt ấy, dù phía trước có gì chị cũng không còn phải chịu những trận đòn roi của chồng.
Chậm lại chút, tôi quên rằng mỗi nhà mỗi cảnh. Thương rồi thì biết nói sao cho vừa, bao dung cho nhau tính thế nào thì là đủ … Hẳn chị cũng phải buồn kinh khủng lắm, khi người từng thương chị thủ dao đòi sống chết vì ghen, khi nhớ về những hạnh phúc và ấm áp trong quá khứ, khi những vết bầm trên da thịt có thể lành – nhưng vết thương lòng của cả chị và hai đứa nhỏ thì phải chờ đến bao giờ ? Trời đất quỷ thần ơi, sao buồn rũ rượi mà chị vẫn mang nụ cười hiền thấy thương quá!
Tôi nghĩ giữa đòng đời ngổn ngang, mọi người cũng như mình, không đếm xuể bao nhiêu lần tự nhiên thèm được thương một người (và cũng vừa vặn là người thương mình) để sẻ chia, để cùng nhau đi giữa dòng đời ngổn ngang, để thương nhau một cách nhẹ nhàng. Nhiều khi vào một ngày trời xanh nắng vàng, thèm được hít thở không khí ngoài ban công, nơi mấy chú sẻ nâu hót rộn ràng trên cành khế trước nhà. Cũng có khi vào những đêm hè, thèm được cảm giác cuộn mình vào cái mền, nằm sát rạt mẹ dù nực muốn chết. Hay một ngày mưa lạnh, thèm lắm cảm giác được về nhà bên mâm cơm cùng gia đình (có khi cơm đã nguội và canh đã lạnh) nhưng ít nhất bản thân biết rằng mình còn một gia đình ấm áp để trở về.
Lạ thấy ghê, sao mà nhiều cái thèm giản đơn vậy mà khó quá chừng … sao mà có những cái thương kỳ cục quá trời, thương sao mà nghĩ hoài chẳng thấu nổi ? Và rồi những đứa trẻ trưởng thành chưa tới (luôn tưởng rằng mình mạnh mẽ), bỗng thấy chẳng làm được gì ngoài chuyện nghe chị kể chuyện lòng, đợi chờ công lý của trời và của người đâu đó giữa cuộc đời ngổn ngang.
Be kind,
Phương Vũ.
30/05/2022.