Tay Mẹ

Tay Mẹ

nurseanesthetist1999

Đôi lúc mình cũng muốn viết và mở lòng về chuyện thương của đôi lứa. Thật lòng thì mình không thể viết về thứ mình không biết và không thể kể về thứ mình chưa từng trải. Nhưng mình – một đứa sống nhờ tình thương – nên chắc bẵm một điều mình cũng biết về chuyện thương. Chuyện thương mình biết và học nhiều nhất chắc từ đôi tay mẹ – tay mẹ mình xấu xí lắm (cũng như đôi tay của những người mẹ khác).

Tay Mẹ cũng khởi đầu như bao người khác, mềm mịn và tròn trịa. Rồi thời gian trôi đi, Tay Mẹ cũng cầm viết, cũng từng ríu rít và vui đùa khi đến lớp. Nhưng chỉ được vài năm, Tay Mẹ vì cuộc sống mà theo Tay Ngoại đi cấy, đi vác lúa và chăm lo cho Tay Em. Toàn những việc nặng nhọc nhưng Tay Mẹ cũng rất khéo, mấy khúc vải được cấp đều nhờ Tay Mẹ mà trở thành một phần Tết, một quãng đời học sinh của mấy người em. Chuyện thương xuất phát từ những điều chân thành. Thương là khi mẹ cũng buồn trong lòng khi thấy bạn bè hân hoan dưới ánh nắng của mái trường thay vì ở giữa ruộng. Thương là khi mẹ nép cái buồn vào một góc và thương là khi mẹ luôn nở nụ cười cho ngoại yên lòng.

Rồi Tay Mẹ cũng từng run lên vì xao xuyến và hạnh phúc khi nắm Tay Bố – bàn tay không có gì ngoài gầy và đen. Tay Mẹ và Tay Bố đan nhau – đi từ trắng tay, chắc cũng vài lần tưởng buông – mà cứ tay này buông thì tay kia lại xiết chặt, tay này mỏi thì tay kia lại đỡ đần. Thế là hai đôi tay xa lạ, trống trơn dìu nhau đi từ mùa nắng sang mùa dông, từ nghèo khó đến ổn định vẫn đan tay nhau như những ngày đầu. Chuyện thương không hẳn là thứ gì qua lớn lao, thương là khi bố tay trắng mẹ vẫn bằng lòng cùng bố đi lên và thương là khi bố đã có nhiều thứ trong tay vẫn xiết chặt Tay Mẹ.

Lần đầu tiên Tay Mẹ chạm lên người mình – làn da mềm mại của đứa trẻ vừa chào đời. Ngày Tay Con ra đời là ngày Tay Mẹ phải chuẩn bị cho những phút giây đằng đẵng, những run rẩy bàng hoàng, những đau nhói xót xa, …và cũng là khởi đầu mà kết thúc chắc chắn là một đôi tay thô ráp, sần sùi và nhức nhối hơn nữa mỗi khi đêm về. Những ngày đầu tiên dắt con đến trường, mẹ trao tận tay cho cô giáo đôi bàn tay con – Tay Cô mềm và giọng cô dịu dàng. Quay lưng trở ra khỏi cổng trường và trở về với những bộn bề cuộc sống, Tay Mẹ lại có thêm trăm ngàn nỗi lo: Cô có thương con mình không ? Cô có kề bên chăm sóc con hay lơ đễnh để con nghịch một mình? Cô có kiên nhẫn khi cho con ăn, khi dạy con, .. hay hằn vào tuổi thơ con những vết bầm, những tổn thương ? Những bài học ở lớp có làm con trưởng thành, có giúp con nên người hay những cặp sách nặng nề ngày ngày con phải mang vác làm con trở nên chán chường và sợ sệt ? Mặc cho những lắng lo bủa vây, nhờ có Tay Cô và Tay Thầy mà Tay Con trưởng thành, vui vẻ lớn khôn cùng với bạn bè – tò mò khám phá thế giới rộng lớn. Thế là Tay Con mong mình sớm trưởng thành, sớm trở thành người lớn để ngừng nắm tay Tay Mẹ và ùa vào thế giới (con luôn tưởng là chỉ có tươi đẹp). Trước những vội vã, những lần muốn chứng tỏ không đếm được bao nhiêu lần Tay Mẹ phải đưa lên quệt ngang mắt vì con. Vì những lời nên nói nhưng vì khờ dại mà không mở lời, vì những câu nói không nên nói cũng vì khờ dại mà thốt ra và chẳng gom lại được, vì những hành động đáng để làm nhưng vì vô tâm mà chẳng thực hiện, vì những hành động không đáng những cũng vì vô tâm mà đã trót làm. Và vì trăm ngàn lý do khác … Cũng là trăm ngàn lần Tay Mẹ vẫn bao dung, che chở Tay Con. Chuyện thương chân thành là khi người ta không còn nhìn thấy mình mà chỉ nghĩ về người thương. Thương là khi những bực dọc mỗi ngày của con cũng làm mẹ buồn nhưng mẹ chưa từng than vãn. Thương là khi những mệt nhọc của cuộc sống chắc chắn dừng lại trước cổng nhà vì cả tuổi thơ con chưa từng được biết đến. Chữ thương nhiều khi lạ quá, trót thương rồi, người ta hình như quên mất mình (quên mất “Mình cũng cần được yêu thương”).

Tay Con trưởng thành, được buông Tay Mẹ và ùa vào đời như ước nguyện (tưởng được buông mà thì ra là bị buông). Những ngày đầu chập chững vào đời, Tay con ngơ ngác ngổn ngang giữa muôn ngàn lắng lo nên trót quên đi … Dạo này Tay Con cầm tay lái nhiều hơn cầm Tay Mẹ, gặp đồng nghiệp nhiều hơn gặp người nhà, ở phòng mổ nhiều hơn ở nhà và cả nhìn điện thoại nhiều hơn nhìn Tay Mẹ. Năm tháng trôi qua, những khớp tay từng oằn mình chăm mấy đứa con bắt đầu biểu tình, đôi tay gồng gánh gia đình qua bao mùa nắng bắt đầu lên tiếng, … biết Tay Con chưa ổn định nên Tay Mẹ cố giấu đi. Chuyện thương đôi khi trở nên xót xa khi chỉ có lòng thương thôi là chưa đủ. Thương là khi mình biết mình đang cố gắng vì điều gì …

Nên hành trình một chiều ở đời này, chuyện thương chắc không thể dùng từ và lời để tả cho đặng. Đến nay, vẫn chưa hiểu hết chuyện thương là gì mà dày vò hành hạ người ta mãi chẳng đành dứt ra. Làm sao để thương mà không nuối tiếc và chẳng ân hận ? Và dành cho tất cả những bàn Tay Mẹ sẽ và đã trở thành một anh hùng ngay khi chạm lên bàn Tay Con. Khi mà trong gặp gỡ đã thấy lìa xa, trong yêu thương đã thấy những khổ đau, trong mềm mại đã chạm phải thô ráp… Chỉ vì thương!

Sài Gòn, 02/10/2022 – lễ kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi và sau câu chuyện của một người mẹ trong đêm trực.

Be kind,

Phương Vũ.