Khóa luận tốt nghiệp và những bài học

Khóa luận tốt nghiệp và những bài học

nurseanesthetist1999

Tôi còn nhớ, nhóm thực hiện khóa luận năm tôi học bắt đầu tìm đề tài khá sớm, dưới sự chỉ bảo của thầy cố vấn học tập – tất nhiên … Lúc bắt đầu, số lượng bạn đăng ký làm khóa luận khá đông.

Một buổi chiều – nắng oi ả, đi dọc đường Điện Biên Phủ, hơi nóng phả vào mặt, chẳng có lấy một bóng râm trên đường. Mà chừng đó cũng chẳng thấm thía gì cho bằng việc quẹo vào bãi xe chật chội, hơi nóng từ đất bốc lên. Gửi xe giờ này cũng chẳng khó để bắt gặp một anh giữ xe, cởi trần, mồ hôi nhễ nhại, chống nạnh và nhăn nhó cầm một cái vòi xịt nước lênh láng trên nền đá. Đôi lúc mình cũng thấy nực cười, thay vì trồng một gốc cây để lấy bóng mát, người ta lại phung phí nước bằng cách này – chắc vì một gốc cây đủ lớn để có thể lấy bóng mát chiếm chỗ đỗ của hai, ba chiếc xe gắn máy – cái mà không dễ kiếm được ở đất Sài Gòn. Khệ nệ vác chiếc balo – nặng hơn nhiều so với thường ngày vì cái laptop, tôi trải qua một đoạn quy trình sàng lọc trước khi vào bệnh viện.

Lên sớm, tôi ngồi buôn chuyện cùng các bạn trong cái “chuồng cu” đầy bụi bặm, chắc cả năm rồi chẳng có ai lên tầng này học. Ngồi quây lại tụm 5, tụm 3, tôi ngồi cùng hai cô bạn – chúng tôi dùng chung chiếc laptop của tôi. Vì nhà xa mà hai bạn lại không tiện mang theo máy khi thực tập bệnh viện lúc sáng. Chủ yếu buổi chiều hôm đó chúng tôi trình bày ý tưởng của mình cho thầy. Thầy sẽ góp ý cho chúng tôi liệu đề tài như thế có phù hợp với sức chúng tôi chưa? Kết thúc buổi gặp hôm đó, có đứa thì ra về với sự háo hức vì có được trong tay một đề tài. Lại có đứa lo lắng khi thầy góp ý nên chuyển sang một đề tài phù hợp hơn. Rơi rụng cho đến cuối, thì khóa luận này có 14 bạn tham gia – bao gồm cả tôi.

Bài học đầu tiên, đứng trước hàng trăm đề tài trong thư viện, biết rằng khi bắt đầu một quá trình mới luôn đầy đắn đo và khó khăn. Đừng lo lắng, cứ tìm rồi bạn sẽ thấy một vấn đề hợp với bản thân. Miễn là bạn không bỏ cuộc, rồi bạn sẽ làm được. Tôi tin là như thế!

Có trong tay một đề tài phù hợp, ngày gần giáp Tết cổ truyền năm Tân Sửu, tôi nhắn tin liên lạc với với một cô trong bộ môn và nhờ cô làm giáo viên hướng dẫn cho mình.

Trải qua hơn 3 năm học, tôi chưa từng nhắn tin với cô. Cô khuôn khổ và nghiêm khắc – ít nhất đó là những gì tôi nhận thấy qua các bài giảng của cô trên lớp và những lần cô hướng dẫn khi thực tập tại khoa Nội thận- Lọc máu và phòng hồi tỉnh. Mà với một đứa thích bày đủ trò trang trí như tôi, không có một giáo viên hướng dẫn nghiêm khắc có khi tôi tôi sẽ nộp vô thư viện một cuốn khóa luận gắn đủ thứ hoa khô và đầy chữ viết tay của mình mất.

Cứ thế, cô và tôi cùng nhau cố gắng, bổ sung và hoàn thiện bản thân mình hơn để hoàn thành đề cương khóa luận tốt nghiệp.

Bài học thứ 2, không chỉ mình tôi lần đầu thực hiện khóa luận mà cũng là lần đầu tiên cô hướng dẫn khóa luận tại bộ môn. Cả tôi và cô đều có những lần đầu tiên của mình. Vì vậy, hãy thông cảm cho nhau. Cuốn đề cương của tôi hầu như đã hoàn chỉnh một tuần trước buổi xét duyệt. Tôi gặp cô lần cuối trước khi trình bày tại hội đồng về đề tài của mình. Chiều đó, tại thư viện tôi tuyên bố dõng dạc và đầy tự tin với cô: ” Trước ngày trình đề cương, em chỉ chơi thôi chứ không học hành gì nữa đâu”.

Trở về nhà, tôi tham gia vào chuyến đi về quê của một cô bạn trong lớp. Chạy xe trên con đường đất đỏ, hai bên là rừng cây, dẫn thẳng đến khu quân sự theo lời cô bạn tôi. Chiếc xe trước nối đuôi chiếc xe sau làm cả đoạn đường đi mịt mù bởi làn bụi đỏ ngầu. Tại một khúc cua, khi đó tôi đi cuối, có lẽ là chợt bánh. Chỉ nhớ lúc mọi người đỡ dậy, tôi đã ngã sõng soài trên mặt đất. Và rồi … chúng tôi quay lại, trước cả khi hình dung được khu quân sự đó trông như thế nào. Suốt cả quãng đường từ chỗ ngã quay trở ra được trạm y tế gần nhất – nơi mà tôi đã nhìn thấy trên đường vào. Bối rối và lo lắng – tôi giả vờ ngủ đằng sau xe của một người bạn. Thế là chuyến đi của tôi kết thúc! Thay vì vui chơi trước ngày trình đề cương khóa luận ở một nơi xanh mát thì giờ tôi lại “vui chơi” tại phòng chữa răng.

Tôi đã không làm tốt, tên đề tài của tôi không phù hợp, tôi mắc ti tỉ lỗi định dạng và tự bản thân tôi thấy thất vọng về bài thuyết trình của bản thân, sơ sài và qua loa. Gần như muốn dừng lại, tôi bật khóc tại bàn học và đắm chìm trong những suy nghĩ kiểu như: “Mình phải sửa lại phần lớn cách thực hiện đề tài và bộ câu hỏi. Như vậy cũng có nghĩa là tổng quan tài liệu của mình cũng không còn phù hợp…” Có lẽ đây là những ngày tháng tôi áp lực nhất trong quá trình làm khóa luận.

Bài học thứ ba, đôi khi mọi thứ có thể không như mong đợi. Nhưng suy cho cùng thì ta nên học cách chấp nhận và sửa chữa lỗi sai của mình. Thật lòng thì tôi rất biết ơn bản thân mình đã mạnh mẽ đối diện với những sai lầm của mình thay vì bỏ cuộc. Vậy nên, thay vì từ bỏ có khi bạn nên cố gắng thêm chút nữa. Rồi một ngày trong tương lai bạn sẽ thầm cảm ơn bản thân mình – không quá lớn lao, nhưng ít nhất bạn biết rằng mình đã cố gắng.

Tưởng chừng như sắp phát hoảng vì sợ không thể thay đổi được hết những góp ý của hội đồng…Tôi quyết định tìm gặp một cô bạn cùng làm khóa luận tại thư viện, cô bạn mà tôi cho rằng trình bày tốt nhất và nhận rất nhiều lời khen từ hội đồng, có lẽ tôi mong sẽ học được gì đó từ bạn. Và rồi tôi bỗng nhận ra, cô ấy cũng đầy lo lắng và bất an. Cô ấy thậm chí bật khóc vì cũng chưa tìm thấy lối ra cho các vấn đề cần chỉnh sửa.


Chúng tôi cùng nhau nêu ra vấn đề của mình, góp ý cho nhau những thứ mà tôi nghĩ bạn có thể làm để chỉnh sửa và bạn cũng làm thế với tôi. Thật ngạc nhiên, chúng tôi dễ dàng thấy được việc đối phương cần làm để chỉnh sửa. Chiều hôm ấy, chúng tôi lội bộ sang tòa nhà 15 tầng từ thư viện khoa, gặp thầy cố vấn, cố gắng giải quyết những vấn đề rắc rối còn lại của cô bạn tôi. Hóa ra, vấn đề của tôi đơn giản hơn bạn rất nhiều. Tôi nghĩ thứ chúng tôi thật sự nhận được từ thầy chiều hôm đó là sự nhắc nhở về việc làm chủ cảm xúc của mình khi đối diện với khó khăn.


Bài học thứ 4, đứng trước những áp lực, có khi bạn không phải trải qua mọi việc một mình. Đừng ngần ngại tìm kiếm sự trợ giúp. Có khi, bạn sẽ tìm được một người bạn chân thành lắng nghe hay một lời chỉ bảo chân thành. Suy cho cùng thì chúng ta cũng chỉ là những đứa trẻ đang học cách trưởng thành thôi nhỉ ? Phải có đôi chút áp lực mới rèn cho tụi mình mạnh mẽ hơn khi bước ra thế giới bên ngoài – hãy tin là như thế !


Cố gắng chỉnh sửa lại nội dung và đồng thời tôi bắt tay vào thu thập số liệu. Đại dịch COVID-19 bùng lên mạnh mẽ ở Sài Gòn, mọi kế hoạch học tập và thực tập tại bệnh viện đều chuyển sang hình thức online. Vì vậy, giai đoạn này tôi cũng chuyển hoàn toàn thành dạng online cho bộ câu hỏi của mình. Cũng hơi may mắn, nhờ vậy mà tôi đỡ tốn được cả đống tiền cho việc in bộ câu hỏi bằng giấy. Không gặp nhiều khó khăn cho đến khi tôi thu đủ câu trả lời, phần lớn vì tôi xin được chút thời gian trong lớp dạy online của cô hướng dẫn. Thật lòng mà nói, tôi rất hài lòng về bộ câu hỏi online của bản thân, tôi thích làm những thứ nhỏ xinh như chiếc video giới thiệu bộ câu hỏi và cả phần cover trong form khảo sát của mình.

https://youtu.be/Ms2tPxjn9pU

Bài học thứ 5, đôi khi tự tìm cách để đưa những thứ mình thích làm vào quá trình thực hiện, một chút sáng tạo sẽ đem lại sự tươi mới cho bản thân – nhất là với một đứa không thích sự gò bó như tôi.

06/08/2021, ngày trình khóa luận tốt nghiệp. Rút kinh nghiệm từ lần trước, lần này tôi cố thủ trong nhà. Cũng một phần, những ngày này thành phố liên tục xuất hiện các ổ dịch, chính quyền các cấp siết chặt chỉ thị 16 nên ngoài trung tâm Y tế quận Tân Bình và nhà tôi chẳng đi đâu được. Hội đồng trình khóa luận của tôi vẫn giữ nguyên như hội đồng trình đề cương. Không khác lần trước là bao, lần trình này tay chân tôi lạnh cóng hết cả lên vì lo. Nhưng cái gì đến rồi cũng sẽ đến, tôi trình đầu tiên trong hội đồng, cố giữ cho giọng nói thật ổn định. Dù vậy, răng lưỡi mình cứ va vào nhau loạn xạ trong lúc hoàn thành bài thuyết trình. Không quá xuất sắc và bài bản, nhưng ít nhất là tôi hài lòng với lần thuyết trình này – đúng như kiểu tôi thích.

Chúng tôi trình khóa luận online vì tình hình dịch COVD-19.

Bài học cuối cùng, điểm số thật sự không quá quan trọng. Tôi biết ơn vì đã chọn hành trình này và đi đến cuối cùng. Thật may là không còn cú twist nào ở đây, một cái kết êm ả …

Be kind,

By Phương Vũ.