Kết thúc năm 2021 – An yên trong giông bão

Kết thúc năm 2021 - An yên trong giông bão

nurseanesthetist1999

Từ tầng 2- khu hồi sức, tôi đi thang bộ một cách nặng nặng nề trở về phòng nghỉ tại tầng 4. Gọi là phòng nghỉ vì tôi ở tạm tại phòng lẽ ra là của bệnh nhân nếu như bệnh viện này không dùng làm cơ sở điều trị COVID. Vì trực ca đầu tiên liên tục 4 tiếng vào rạng sáng nên tôi vẫn chưa thích nghi được. Phần khác căn phòng tôi nhận nhiệm vụ có 10 bệnh nhân thì hết 8 ca phải thở máy, nhẹ nhất là hai bệnh nhân chạc tuổi bố mẹ tôi cũng phải thở oxy dòng cao (HFNC). Cả căn phòng chìm trong tiếng tít tít liên tục và đều đặn của máy đo sinh hiệu. Tôi phải nói thật là cho đến tận bây giờ, tôi vẫn rất nể và thông cảm cho các anh chị nhân viên y tế. Hầu như hai chị điều dưỡng phòng tôi – chị T. và chị N. – đứng liên tục trong 4 tiếng trực, ngoài việc chăm sóc chuyên môn như truyền dịch, truyền thuốc, hút đàm nhớt,… Các chị còn cả ti tỉ thứ nhỏ nhặt phải làm như việc làm hồ sơ nhập, xuất bệnh, hồ sơ báo tử, xếp dây cố định nội khí quản,… Và chăm sóc cả nhưng sinh lý cơ bản của người bệnh như cho ăn, thay tã, … Vậy mà trong tua trực chưa bao giờ tôi thấy chị phàn nàn, cũng có khi là quá bận để chị có thể nói.

Những tiêu đề đáng buồn như “Khởi tố người đấm, đá nhân viên y tế ngay tại phòng cấp cứu“, phần nào cho thấy một hiện thực đáng buồn với nhân viên y tế. Phần lớn bệnh nhân đến bệnh viện khi bắt đầu mệt mỏi và đau ốm, thế nên ai cũng mong mình là người được ưu tiên. Tôi không muốn lấy đó làm lý do để biện minh cho sự cục cằn và và bất lịch sự của một số nhân viên y tế. Nhưng nếu có thể, mong bạn chân thành thấu hiểu cho sự cố gắng của họ – người đã căng mình cố gắng cùng người dân suốt những ngày tháng đại dịch vừa qua, người đã làm việc bất kể ngày hay đêm để bảo đảm sức khỏe cho bạn và gia đình, …

Phòng hồi sức số 2 – phòng đầu tiên tôi nhận việc, có một chú bệnh nhân rất bự con, da chú ngăm và chú có một mụt thịt dư ở nách. Cái mụt thịt dư làm tôi nhớ đến bố mình. Là một trong hai bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo trong phòng, có lẽ việc nhìn thấy những người bệnh xung quanh làm chú cảm thấy nặng nề. Chú thường thủ thỉ kể tôi nghe về con gái chú – nhỏ hơn tôi một tuổi, cô bé là sinh viên năm cuối trường Khoa học xã hội và nhân văn. Mắt chú ánh lên vẻ tự hào khi kể về cô bé “Hồi nhà chú không có điều kiện nên con bé chọn học trường đó nhờ có học bổng. Chứ nó đủ điểm để đậu trường Bách Khoa.” Tôi hỏi chú có muốn gọi điện cho con gái không, vì trong khoa có một chiếc máy tính bảng để những bệnh nhân còn tỉnh táo gọi điện về cho gia đình. Chú lắc đầu một cách nhẹ nhàng mà đầy dứt khoát, cứ như câu trả lời đã ở đó từ rất lâu “Thôi chú sợ nó lo”. Tua trực hôm đó là lần cuối tôi nói chuyện với chú … Chú trở nặng nhanh, phải đặt nội khí quản để thở máy. Cho đến hôm tôi viết ra những dòng này (23 Tết) chú đã phải lọc máu. Tiên lượng sống của chú không cao, ngay cả chú có lẽ cũng cảm nhận được “Cửa lần này nhỏ quá, chắc chú không qua nổi” – chú từng nói với chị Tr., điều dưỡng phòng hồi sức 2. Có những thứ mong manh như thế, người mình gặp được hôm nay chưa chắc ngày mai đã có cơ hội để gặp lại.

Hình này tôi xin từ bé Nhàn học điều dưỡng đa khoa – nhỏ hơn một khóa – vì tôi không có thói quen mang theo điện thoại vào buồng chăm sóc.

Tận mắt nhìn thấy, chăm sóc và lắng nghe câu chuyện của những bệnh nhân nhiễm Covid-19 trong thời gian qua. Tôi nghe được những thứ mà những cô chú bệnh nhân chạc tuổi bố mẹ tôi nói – những lời mà bố mẹ chẳng bao giờ nói thẳng với con cái, tôi chợt nhận ra có những thứ mà khi cận kệ chia ly người ta sẽ hối hận. Có gì đó đã thay đổi, lần đầu tiên, trong 22 năm tôi biết thế nào là cảm giác nhớ nhà. Tôi quyết định không tiếp tục ở lại và trở về nhà sau 2 tuần hỗ trợ chống dịch tại Vũng Tàu. Thế nhưng, vẫn còn ngoài đó những người nhân viên y tế, họ cũng là những người con. Có khi là tình nguyện, cũng có khi là không có sự lựa chọn. Cho dù là thế nào, thì khi bạn cũng gia đình quây quần bên gia đình vào thời khắc giao mùa này thì họ vẫn còn trong bệnh viện, chăm sóc một phần gia đình của ai đó. Tôi mong rằng, các bạn có thể chân thành cảm thông được cho những nhân viên y tế, những người đã vất vả đồng hành cùng người bệnh trong suốt thời gian đại dịch diễn ra, kiên cường và mạnh mẽ cho đến tận bây giờ.

Vì vậy, tôi viết những dòng này để tôi và các bạn – những người vẫn còn bình yên và khỏe mạnh trong cơn đại dịch này biết ơn về những thứ chúng ta đang có… Nếu bạn đang khỏe mạnh tại thời khắc này, hãy trân trọng, vì bạn đã hạnh phúc hơn trăm ngàn người bệnh và cả những người không thể qua khỏi cơn đại dịch vừa qua. Tôi mong rằng những người bố, người mẹ của nhân viên y tế vẫn còn tham gia chống dịch có thể kể với bà con, họ hàng một cách tự hào về những người con đã không buông tay của mình. Và cuối cũng tôi mong rằng, các nhân viên y tế đã và đang chống dịch sẽ luôn giữ vững niềm tin của mình – mạnh mẽ và lạc quan đi cùng nhau trên những chặng hành trình sắp tới.

Mong chúng ta sẽ an yên giữa đời và mạnh mẽ trong bão giông – Mùng 1 Tết – Nhâm Dần 2022.

Be kind,

Phương Vũ.