Ngày 08-08-2021, đầu giờ chiều đầy nắng ngày Chúa Nhật. Tôi có mặt tại trường sau một quyết định đầy chóng vánh và cũng là khởi đầu cho hành trình trải nghiệm môi trường làm thực tế suốt 3 tháng của tôi.
Từ lúc đăng ký link tham gia tại Bệnh viện Dã Chiến 6 được đăng lên cho đến khi tôi xuất phát chưa đầy 2 tiếng đồng hồ – thậm chí tôi còn chưa chào bố trước khi đi. Ngày tôi xuất phát, Sài Gòn vẫn oằn mình chống dịch khi các kỷ lục về số ca mắc liên tục bị xô ngã. Những tháng ngày này, trầm lắng và vô số chốt chặn mọc trên mọi ngóc ngách ở Sài Gòn. Chân thành mà nói được cầm một tờ giấy để đi lại trên đường phố cũng là một niềm tự hào, như là một cách chứng nhận tôi cũng đang dành một phần công sức của mình trong chiến dịch này. Tập trung tại trường, tôi vẫn còn mông lung về địa điểm của bệnh viện dã chiến 6. Đi dọc con đường Võ Văn Kiệt, xe chạy với tốc độ khó mà thấy được vào những ngày Sài Gòn còn sôi động.
Tập trung tại khuôn viên bệnh viện, cả đoàn chờ đợi đến tận sáu giờ tối để được sắp xếp chỗ ở. Thật là một lỗ hổng trong quản lý, nhân viên tại bệnh viện thậm chí còn không nhận được thông báo về việc có mặt của đoàn – chắc tại vì là dã chiến. Nơi chúng tôi ở là tòa nhà cao cấp nhất, nhưng vì cũng từng là nơi ở của F0 nên chúng tôi vẫn phải xịt và lau khử khuẩn khắp cả căn hộ. Mất hai ngày để chúng tôi dọn dẹp hoàn tất.
Ngày nhận nhiệm vụ đầu tiên, chúng tôi đươc phân công cùng chị K., chị chuyên về mảng IT. Những ngày đầu, khi hệ thống quản lý bệnh nhân vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Cách để bệnh viện nắm được thông tin người bệnh là thông qua phương pháp thủ công như thế, có một đội ngũ hằng ngày định kỳ đi dán bảng tên ở giường của người bệnh và quản lý tay danh sách người bệnh đang nằm tại đâu. Chờ cho đến sau này, khi hệ thống hoàn thành thì đội của chị K. không còn phải trực tiếp đi dán bảng tên hằng ngày.
Cái nắng chiều hanh khô hắt từ hướng lan can của căn hộ rọi vào khuôn mặt những người bệnh. Có những người bệnh đến thở còn khó khăn chứ đừng nói đến việc cố gắng tránh nắng. Tại thời điểm đó, quạt máy thì hiếm như nước ngọt giữa sa mạc và ghế bố – cái được xem là giường bệnh xếp san sát nhau dưới cái nóng hừng hực của Sài Gòn mùa khô. Không quạt, không màn che, ruồi nhặng bay đầy trong căn hộ , nơi mà các cụ ông, cụ bà phải tiêu tiểu tại chỗ mà lực lượng dọn vệ sinh rất thưa. Khung cảnh này vẫn còn ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Khi mà nhân viên y tế thì ít và phải chạy vạy từ phòng này sang phòng khác. Khi mà lời trách của người bệnh tuyệt vọng một cách đáng sợ “Vậy thì mấy cô chú dán cho tui cái Bảng cáo phó luôn cho rồi. Chứ làm gì ngày nào cũng đi hỏi tên quài.”. Khi đó là cách duy nhất để nắm được người bệnh đang ở đâu, còn sống hay đã mất. Hoảng sợ, thật lòng đó là cảm giác của tôi lúc ấy, tôi chưa từng hình dung được thực trạng tại bệnh viện dã chiến đang quá tải đến mức ấy. Trở về phòng sau ngày hôm đó, cả phòng chúng tôi đều tự xem mình là “một con COVID chính hiệu”. Tối hôm đó, cả phòng có họp lại với nhau vì chúng tôi đều muốn làm gì đó liên quan đến chuyên môn hơn là đi dán bảng. Thật lòng mà nói, khi ấy có lẽ tôi là hiểu rõ nhất tiếng thì thầm trong lòng mình: Tôi đang hoảng sợ đến mức gần như chối bỏ nhiệm vụ, tôi ước được làm trong môi trường thông thoáng và ít bệnh nhân nặng hơn. Vì vậy, tôi là đứa đề nghị xin chuyển công tác sang khu chăm sóc bệnh nhân có triệu chứng nhẹ – người bệnh tự theo dõi tại các tầng lầu của tòa nhà. Nếu được chuyển sang bộ phận này chúng tôi sẽ trực điện thoại và mặc đồ bảo hộ lên tầng lầu khi có người bệnh chuyển nặng; định kỳ lên thăm bệnh cùng các anh chị vào buổi sáng đầu ngày và đầu giờ chiều. Tôi cũng tự hóa thẹn vì sự ích kỷ của mình. Nhưng cũng may là bác sĩ A. – quản lý nhân sự – chân thành nói với chúng tôi về việc hiện tại bệnh viện thiếu nhân sự chủ yếu tại khoa cấp cứu. Vì thế mà tôi tiếp tục làm tại cấp cứu 3 – sau này là cấp cứu bệnh nền, không nhờ vậy chắc tôi sẽ còn rất áy náy.
Ngày đầu trực tại cấp cứu 3, mỗi tua như thế có 3 bạn trực và chăm sóc bệnh nhân ở ba căn hộ . Khó thở vì còn chưa quen với việc phải mặc đồ bảo hộ tại không gian kín như thế, những ngày đầu trực tại đây tôi thậm chí còn mệt hơn vì ngoài việc thực hiện thuốc và theo dõi sinh hiệu còn phải thay bình oxy vì chưa có hệ thống oxy nguồn. Một bình oxy 40 lít như thế phải chia cho 3-4 người bệnh dùng chung nên rất nhanh hết. Không khó để nhìn thấy những bạn nữ cầm cờ lê kéo theo cái bình oxy – có khi còn nặng hơn bản thân, đi thay và phải thay rất thường xuyên. Các bạn có thể hiểu thêm về mô hình chia oxy do bác sĩ Phan Trung Hiếu sáng tạo tại đây.
Về sau khoa cấp cứu được chuyển đến một phòng điều hành tại khu chung cư, phòng thoáng hơn, cho cái nhìn tổng quan hơn khi không phải di chuyển giữa các căn hộ và nhẹ hơn nhiều là việc được trang bị hệ thống oxy trung tâm. Tại đây khoa cấp cứu bệnh nền ra đời cùng với những cái ngã đau của khi bước chân vào thế giới của “người lớn”. Những ngày tháng này tôi cùng các bạn trong Ekip 3 trải qua một loạt các biến cố, tôi phải thừa nhận rằng nhóm tôi có không ít lỗi sai: chúng tôi để quá ít người đi trong một ca thuốc, cái tôi của chúng tôi lớn đến mức chẳng thể thấy lỗi sai của mình. Và chính bản thân tôi, đến tận bây giờ tôi vẫn luôn tự nhắc bản thân mình, tôi cần học cho kỳ được cách để nhìn thấy cái sai và lại càng phải nhìn cho rõ cái sai của bản thân. Đôi khi, không dám thừa nhận cái sai của bản thân đã là một cái sai khác, thậm chí còn nhiều hơn cái sai ban đầu.
“It takes a great deal of bravery to stand up to our enemies, but just as much to stand up to our friends.”
― J.K. Rowling, Harry Potter and the Sorcerer’s Stone
Thời còn đi thực tập thứ duy nhất mà tôi quan tâm là hôm nay tôi đã học được kỹ thuật gì, anh chị đứng phòng đã đối xử với mình như thế nào, … Ở trường khi bạn làm ra một lỗi sai, cái tệ nhất bạn có thể nhận là sự khiển trách và có thể cố gắng lại vào ngày hôm sau. Chỉ cần bước một chân ra khỏi trường đại học, mọi quyết định, cách hành xử ta đưa ra sẽ đều phải chịu trách nhiệm về nó. Thế nên, trong một khoảnh khắc khi người ta sẽ cho chúng tôi “out” thay vì việc được nghe “mắng” như thời đại học là lúc tôi nhận ra “Từ giờ sẽ không còn ai chửi tôi vì cái lỗi sai của mình, cuộc sống sẽ khốc liệt hơn như thế rất nhiều. Được nghe thầy Nhựt chửi sẽ dễ chịu hơn nhiều!”.
Sau khi bị chuyển công tác tới phòng hành chính, chúng tôi trải qua những ngày buồn chán với công việc giấy tờ. Cũng là lần đầu tiên tôi bắt đầu để ý, thì ra chị bác sĩ Vân (quản lý công việc khu hành chính) cũng không thích việc phải ngồi im làm giấy tờ thế này – chị cũng thích được vô khu lâm sàng để tiếp xúc với bệnh nhân và học hỏi. Hay cô bé Huyền ở phòng Dược cũng ước được đi trực vào một khung giờ cố định thay vì cứ liên tục phải bổ sung dụng cụ còn thiếu mỗi khi trong khu cấp cứu cần. Có những việc tưởng như xui mà chưa chắc đã xui, thí như những ngày buồn tẻ tại phòng hành chính. Chẳng phải nhờ những ngày tại phòng hành chính giúp tôi hiểu hơn nhiều quy trình và biết được thêm nhiều anh chị dễ mến hay sao? Sau đó chúng tôi cũng xin để được quay trở lại chăm sóc người bệnh, và lần này mọi thứ dịu dàng hơn …
“Người bạn gặp trong đời đều là người bạn nên gặp. Chuyện xảy ra trong đời đều là chuyện cần xảy ra.”
Sưu tầm
Tôi viết ra bài viết này không nhằm mục đích trách cứ bất kỳ ai – bởi tôi biết, mọi việc xảy ra đều là một thông điệp cho bản thân. Mong rằng tôi đã học được những bài học cần học và những người bạn của tôi cũng thế!
Be kind,
Phương Vũ.