Hút đàm trên người bệnh đặt nội khí quản

Hút đàm trên người bệnh đặt nội khí quản

nurseanesthetist1999

Với mỗi người bệnh cần kiểm soát thông khí, việc đặt được Nội Khí Quản (NKQ) là quan trọng. Nhưng cách vệ sinh, chăm sóc và bảo vệ ống NKQ đã đặt được cũng quan trọng không kém. Hút đàm là kỹ thuật quan trọng để đảm bảo ống NKQ không bị tắc nghẽn. Bài này tập trung vào 5 nội dung về lý thuyết khi hút đàm cho bệnh nhân đặt nội khí quản:

Mục đích của hút đàm

Phân loại kỹ thuật hút đàm.

Khi nào cần hút đàm ?

Chuẩn bị gì trước khi hút đàm ?

Những nguyên tắc cần lưu ý khi hút đàm.

1) Mục đích của hút đàm trên người bệnh đặt NKQ:

Làm sạch chất tiết không chỉ vùng mũi, miệng (với hút đàm đường hô hấp trên) mà cả bên trong khí quản (với hút đàm đường hô hấp dưới) nhằm giữ cho đường thở của người bệnh thông thoáng, phòng ngừa những biến chứng nhiễm khuẩn và xẹp phổi.
Chất tiết sau khi hút có thể dùng cho mục đích chẩn đoán và xét nghiệm.

2) Phân loại kỹ thuật hút đàm.

Dựa vào hệ thống hút : hút đàm hở và hút đàm kín
Hút đàm hở là phương pháp hút cần tách rời hệ thống máy thở khỏi ống NKQ để có thể đưa dây hút đàm vào lòng ống NKQ.
Hút đàm kín là phương pháp hút kết nối một hệ thống dây hút đàm vô khuẩn trên ống NKQ. Hệ thống này cho phép hút đàm mà không cần tháo hệ thống máy thở khỏi ống NKQ.

Dựa vào độ sâu của ống hút đàm được đưa vào trong quá trình hút: hút đàm sâu (deep suctioning) và hút đàm ngay đầu ống NKQ (shallow suctioning)
Hút sâu (deep suctioning) được hiểu là đưa catheter hút đàm vào ống NKQ cho đến khi gặp lực cản, lùi lại khoảng 1cm và hút.
Hút ngay đầu ống NKQ (shallow suctioning) là đưa ống hút đàm qua khỏi ống NKQ 1-2cm dựa vào thước đo đã được đánh dấu trên ống NKQ.  

Dựa vào vị trí hút: hút đàm đường hô hấp trên và hút đàm đường hô hấp dưới.
Hút đàm đường hô hấp trên là vị trí hút đàm tại mũi, hầu họng.
Hút đàm đường hô hấp dưới là vị trí hút từ hầu thanh quản trở xuống.

3) Khi nào cần hút đàm ?

Khi nhận định người bệnh có tình trạng ứ đọng đàm nhớt thì cần hút đàm. Nghĩa là việc hút đàm không được khuyến cáo thực hiện theo một khung giờ cố định mà chỉ khi nào cần.

Các dấu hiệu cho thấy người bệnh có thể đang có ứ đọng đàm nhớt ở đường hô hấp dưới và cần hút đàm:

  • Xuất hiện dạng sóng hình răng cưa trên biểu đồ sóng của máy thở.
  • Nghe thấy tiếng ran ẩm (coarse crakles) ở phổi.
  • Tăng áp lực đỉnh thì hít vào với mode thở kiểm soát thể tích hoặc giảm thế tích khí lưu thông khi người bệnh đang dùng mode thở kiểm soát áp lực.
  • Độ bão hòa oxy mao mạch hoặc đồ bão hòa oxy động mạch GIẢM.
  • Nhìn thấy dịch tiết trong ống NKQ.
  • Bệnh nhân mất khả năng bảo vệ đường thở bằng phản xạ ho.
  • Bệnh nhân có tăng cấp tính áp lực đường thở.
  • Nghi ngờ hít sặc dịch dạ dày hoặc chất tiết của đường hô hấp trên.

4) Chuẩn bị gì trước khi hút đàm ?

Về người bệnh:
Tâm lý người bệnh (đặc biệt với người bệnh còn tỉnh táo và hút đàm lần đầu tiên) : vị trí hút, lý do thực hiện và trấn an người bệnh.
Thở oxy nhằm dự trữ oxy cho người bệnh trước khi hút đàm: AARC khuyến cáo nên tăng nồng độ oxy từ 30 đến 60 giây trước khi hút. Việc tăng oxy có thể thực hiện bằng một trong hai cách sau:

  • Tăng FiO2 lên 100% trong vòng 1-2 phút trước khi hút với người lớn, trẻ em và tăng FiO2 thêm 10% so với mức FiO2 nền của trẻ sơ sinh. Với cách này, nhớ cần phải điều chỉnh FiO2 về mức ban đầu sau khi hoàn tất hút đàm.
  • Dùng tính năng tăng oxy tạm thời. Máy thở sẽ tự động tăng FiO2 và thời gian tăng theo mức cài đặt.

Lưu ý: Thông khí bằng tay qua ống nội khí quản trước khi hút đàm không được khuyến cáo khi người bệnh đang thở máy. Vì gây khó chịu cho người bệnh, không có hiệu quả cung cấp oxy 100% và không đảm bảo duy trì áp lực dương đường thở cuối thì thở ra (PEEP).

Về dụng cụ: bao gồm hút đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới.
Dây hút đàm: lựa chọn dây hút đàm nhỏ hơn đường khí trong (Internal Diameter) của ống NKQ. Đường kính ngoài của dây hút đám không được vượt quá 50% đường kính trong của ống NKQ.
Kiểm tra hệ thống hút và áp lực hút, về nguyên tắc thì việc chọn chọn áp lực nên ở mức nhỏ nhất để đạt được hiệu quả hút. Áp lực âm khi hút này không được vượt quá -200mmHg ở người lớn và -120mmHg ở trẻ em.
Áp lực hút thường được áp dụng tùy theo độ tuổi như sau:

  • Người lớn: âm 80 -120mmHg
  • Trẻ em: âm 60 – 80mmHg
  • Trẻ sơ sinh: âm 40 – 60mmHg
  • Qui đổi áp lực hút : 1 mbar = 0,75 mmHg

Việc lựa chọn đúng dây hút đàm, kiểm tra hệ thống hút và áp lực hút là ba việc quan trọng nhất. Việc này đảm bảo quá trình hút đàm diễn ra thuận lợi và hạn chế việc giảm thể tích phổi.

Trên thực tế lâm sàng, có thể chọn kích cỡ ống hút đàm đựa vào kích cỡ ống NKQ người bệnh đang sử dụng. Công thức phổ biến thường gặp: Đường kính trong của ống NKQ x 2 = kích cỡ của ống hút đàm (theo đơn vị Fr).

Ví dụ: bệnh nhân dùng ống nội khí quản 7.0 mm (7×2=14) . Vậy ống hút đàm nên sử dụng cho bệnh nhân này là 14Fr

Dụng cụ cần cho hút đàm hở
(Một lần hút đường hô hấp trên và một lần hút đường hô hấp dưới)
Dụng cụ cần cho hút đàm kín:
(Một lần hút đường hô hấp trên và một lần hút đường hô hấp dưới)
Dụng cụ cho người thực hiện: Khẩu trang , kính bảo hộ và bộ đồ bảo hộ cá nhân (nếu cần), hai đôi găng vô khuẩn và dung dịch sát khuẩn tay.Dụng cụ cho người thực hiện: Khẩu trang , kính bảo hộ và bộ đồ bảo hộ cá nhân (nếu cần), một đôi găng tay vô khuẩn, một đôi găng sạch và dung dịch sát khuẩn tay.
Chén chung vô khuẩn chứa NaCl 0.9% vô khuẩn hoặc nước cất, gạc hoặc khăn giấy.Chén chung vô khuẩn chứa NaCl 0.9% vô khuẩn hoặc nước cất, gạc hoặc khăn giấy.
Bơm tiêm 20mL chứa NaCl 0.9% vô khuẩn hoặc nước cất để tráng ống hút đàm kín.
Hai ống hút đàm đúng kích thước, một ống cho đường hô hấp trên và một ống cho đường hô hấp dưới.Một ống hút đàm đúng kích thước để hút đường hô hấp trên.
Một bộ hút đàm kín.
Máy hút đàm đã được kiểm tra và điều chỉnh áp lực phù hợp.
Túi đựng rác.
Máy hút đàm đã được kiểm tra và điều chỉnh áp lực phù hợp.
Túi đựng rác.

5) Những nguyên tắc cần lưu ý khi hút đàm.

Hút sạch đường hô hấp trên trước khi hút đường hô hấp dưới. Vì trong quá trình hút đường hô hấp dưới, người bệnh có thể bị kích thích làm thay đổi áp lực đường thở nên bòng chèn của ống nội khí quản có thể bị thay đổi hình dạng và làm chất tiết ở vùng hầu họng đi xuống phổi.

Chỉ dùng phương pháp hút sâu khi hút ngay đầu ống NKQ không mang lại hiệu quả.

Việc bơm NaCl 0,9% thường quy vào ống NKQ không được thực hiện.

Thời gian một lần hút không được vượt quá 15 giây ( tương đương một nhịp thở của người thực hiện) và tổng quá trình hút không vượt quá 5 phút.

Không hút trong quá trình đưa dây hút vào. Chỉ bắt đầu hút khi đã đặt catheter hút ở đúng vị trí. Đọc thêm về kỹ thuật hút đàm tại đây.

Ghi chú: Theo lý thuyết thì kỹ thuật hút đàm đường hô hấp trên là kỹ thuật vô khuẩn và phải đeo găng vô khuẩn khi thực hiện. Trên thực tế lâm sàng tại các bệnh viện đều sử dụng găng sạch khi thực hiện và cần hạn chế đụng vào đầu dây hút. Cá nhân mình cũng thấy việc này khá hợp lý, vì theo mình việc đưa đầu dây hút qua khu vực miệng hoặc mũi (đã là vùng không vô khuẩn!). Vậy tại sao từ đầu phải áp dụng kỹ thuật vô khuẩn khi thực hiện hút đàm đường hô hấp trên ? Bạn hoàn toàn có thể phản biện hoặc thể hiện quan điểm cá nhân của bạn với mình về quan điểm này tại phần comment nhé !

Tài liệu tham khảo:

  1. Bài 63 “HÚT ĐỜM NHỚT”, trang 258 – Sách “ĐIỀU DƯỠNG CƠ BẢN II” – Bộ Y Tế (2012)
  2. AARC Clinical Practice Guidelines: Artificial Airway Suctioning, Journal “Respiratory Care (RESP CARE)” (Feb 2022)

Be kind,

Phương Vũ.