Kỹ thuật hút đàm trên bệnh nhân đặt nội khí quản

Kỹ thuật hút đàm trên bệnh nhân đặt nội khí quản

nurseanesthetist1999

Kỹ thuật hút đàm đường hô hấp trên

  1. Đeo đầy đủ phương tiện phòng hộ (khẩu trang, kính bảo hộ, …)
  2. Rửa tay thường quy
  3. Giải thích với người bệnh về thủ thuật sắp thực hiện nếu người bệnh còn tỉnh táo để nhận được sự hợp tác. Cần giải thích kỹ trong lần đầu tiên nhằm giảm bớt lo lắng.
  4. Chuẩn bị các dụng cụ cần thiết cho quá trình thực hiện, tại đây.
  5. Đặt người bệnh nằm ngửa, đầu cao 30-45o (semi-Fowler’s position)
  6. Đặt một miếng lót hoặc khăn trên ngực người bệnh, để tránh chất tiết dính vào người bệnh nhân.
  7. Bật máy hút và điều chỉnh áp lực bằng cách gập đầu dây nối, và vặn đồng hồ điều chỉnh tới mức mong muốn.
  8. Kết nối dây hút đàm với dây nối của máy hút (không rút dây hút đàm khỏi bao đựng)
  9. Đeo găng vô khuẩn vào tay thuận và găng không vô khuẩn vào tay không thuận.
  10. Dùng tay đeo găng vô khuẩn để cầm đầu ống hút đàm và tay không đeo găng vô khuẩn cầm dây nối tại vị trí van hút đàm.
  11. Hút thử nước để kiểm tra lại lần nữa áp lực hút và tráng ống, bằng cách dùng tay đeo găng vô khuẩn đưa đầu ống hút đàm vào nước và tay đeo găng sạch đặt ngón tay tại van hút.
  12. Ước tính độ sâu cần đưa vào tương đương với độ dài từ cánh mũi (nếu hút đường mũi) hoặc mép miệng (nếu hút đường miệng) đến dái tai và đưa thêm 1-2 cm.
  13. Bôi trơn đầu ống bằng gel vô khuẩn (nếu được)
  14. Dùng tay đeo găng vô khuẩn đưa ống hút đàm vào đến dộ đài đã ước tính. Trong lúc đưa ống hút đàm, tay đeo bao tay sạch KHÔNG được đặt vào van hút.
  15.  Khi ống hút đàm đã nằm đúng vị trí, đặt tay không thuận lên van hút để tạo áp lực. Khi cảm nhận đã hút sạch tại vị trí đó, bỏ tay khỏi van áp lực.
  16. Kéo dây hút đàm ngược ra một đoạn và tiếp tục dừng lại để hút. TUYỆT ĐỐI KHÔNG VỪA ĐẶT TAY TRÊN VAN HÚT VỪA KÉO NGƯỢC DÂY HÚT ĐÀM RA vì đầu dây hút sẽ dính chặt vào niêm mạc miệng và gây tổn thương niêm mạc khi vừa kéo vừa hút.
  17. Thời gian hút một lần không quá 15 giây (tương đương với một nhịp thở của người thực hiện)
  18. Tráng lại ống hút đàm và thực hiện lại thao tác hút (từ bước 12 đến 17) nếu cần, thời gian nghỉ giữa những lần hút là 30 giây và tổng thời gian hút không quá 5 phút.
  19. Sau khi hoàn tất hút đàm, dùng tay không thuận tắt máy hút và tháo dây hút đàm khỏi dây nối.  
  20. Gập dây hút đàm nằm gọn trong lòng bàn tay, dùng tay còn lại tháo găng tay (bằng cách lộn ngược mặt trong găng tay ra ngoài) bọc bên ngoài dây hút đàm.
  21. Dọn dẹp và phân loại rác theo quy định.
  22. Vệ sinh tay thường quy.

Kỹ thuật hút đàm HỞ trong ống nội khí quản:

  1. Đeo đầy đủ phương tiện phòng hộ (khẩu trang, kính bảo hộ, …)
  2. Rửa tay thường quy
  3. Giải thích với người bệnh về thủ thuật sắp thực hiện nếu người bệnh còn tỉnh táo để nhận được sự hợp tác. Cần giải thích kỹ trong lần đầu tiên nhằm giảm bớt lo lắng.
  4. Chuẩn bị các dụng cụ cần thiết cho quá trình thực hiện, tại đây.
  5. Đặt người bệnh nằm ngửa, đầu cao 30-45o (semi-Fowler’s position)
  6. Đặt một miếng lót hoặc khăn trên ngực người bệnh, để tránh chất tiết dính vào người bệnh nhân.
  7. Cho người bệnh thở oxy dự trữ trong 1-2 phút.
  8. Bật máy hút và điều chỉnh áp lực bằng cách gập đầu dây nối, và vặn đồng hồ điều chỉnh tới mức mong muốn.
  9. Kết nối dây hút đàm với dây nối của máy hút (không rút dây hút đàm khỏi bao đựng), nới lỏng khớp nối giữa ống nội khí quản và dây máy thở để thuận tiện gỡ bằng một tay ở bước 14.
  10. Đeo găng vô khuẩn vào tay thuận và găng không vô khuẩn vào tay không thuận.
  11. Dùng tay đeo găng vô khuẩn để cầm đầu ống hút đàm và tay không đeo găng vô khuẩn cầm dây nối tại vị trí van hút đàm.
  12. Hút thử nước để kiểm tra lại lần nữa áp lực hút và tráng ống, bằng cách dùng tay đeo găng vô khuẩn đưa đầu ống hút đàm vào nước và tay đeo găng sạch đặt ngón tay tại van hút.
  13. Ước tính độ sâu cần đưa vào tương đương với số đo tại vị trí cố định ống NKQ và đưa vào thêm 2 cm. Lúc này vị trí ống hút đàm vừa qua khỏi đầu ống nội khí 2cm và nằm trong lòng khí quản. Việc ước tính này cần làm với cách hút ngay đầu ống NKQ. Ví dụ ống nội khí quản được cố định tại vị trí 24cm ở mép miệng, vậy cần đưa ống hút đàm đến mức 26cm ngang mép miệng.
  14. Dùng tay đeo găng sạch gỡ khớp nối giữa ống NKQ với dây máy thở và dùng tay đeo găng vô khuẩn đưa ống hút đàm vào đến dộ đài đã ước tính. Trong lúc đưa ống hút đàm, tay đeo bao tay sạch KHÔNG được đặt vào van hút.
  15.  Khi ống hút đàm đã nằm đúng vị trí, đặt tay không thuận lên van hút để tạo áp lực. Khi cảm nhận đã hút sạch tại vị trí đó, bỏ tay khỏi van áp lực.
  16. Kéo dây hút đàm ngược ra một đoạn và tiếp tục dừng lại để hút. TUYỆT ĐỐI KHÔNG VỪA ĐẶT TAY TRÊN VAN HÚT VỪA KÉO NGƯỢC DÂY HÚT ĐÀM RA khi thực hiện kỹ thuật hút đàm sâu vì đầu dây hút sẽ dính chặt vào niêm mạc khí quản và gây tổn thương niêm mạc khi vừa kéo vừa hút.
  17. Thời gian hút một lần không quá 15 giây (tương đương với một nhip thở của người thực hiện)
  18. Tráng lại ống hút đàm và thực hiện lại thao tác hút (từ bước 12 đến 17) nếu cần, thời gian nghỉ giữa những lần hút là 30 giây và tổng thời gian hút không quá 5 phút.
  19. Sau khi hoàn tất hút đàm, dùng tay không thuận kết nối máy thở lại với ống NKQ, tắt máy hút và tháo dây hút đàm khỏi dây nối.  
  20. Gập dây hút đàm nằm gọn trong lòng bàn tay, dùng tay còn lại tháo găng tay (bằng cách lộn ngược mặt trong găng tay ra ngoài) bọc bên ngoài dây hút đàm.
  21. Dọn dẹp và phân loại rác theo quy định.
  22. Vệ sinh tay thường quy.
Hút đàm hở trên bệnh nhân có ống NKQ.

Kỹ thuật hút đàm KÍN trong ống nội khí quản:

  1. Đeo đầy đủ phương tiện phòng hộ (khẩu trang, kính bảo hộ, …)
  2. Rửa tay thường quy
  3. Giải thích với người bệnh về thủ thuật sắp thực hiện nếu người bệnh còn tỉnh táo để nhận được sự hợp tác. Cần giải thích kỹ trong lần đầu tiên nhằm giảm bớt lo lắng.
  4. Chuẩn bị các dụng cụ cần thiết cho quá trình thực hiện, tại đây. Và đeo găng tay sạch.
  5. Đặt người bệnh nằm ngửa, đầu cao 30-45o (semi-Fowler’s position)
  6. Gắn kết nối hệ thống hút đàm kín vào ống NKQ theo hình hướng dẫn và dán ngày cần thay hệ thống mới tại khớp nối. Nếu ống NKQ đã được kết nối với hệ thống hút đàm kín thì kiểm tra và thay mới hệ thống hút đàm kín mỗi 48 hoặc 72 giờ tùy theo hướng dẫn của nhà sản xuất (nếu cần).
  7. Cho người bệnh thở oxy dự trữ trong 1-2 phút.
  8. Bật máy hút và điều chỉnh áp lực bằng cách gập đầu dây nối, và vặn đồng hồ điều chỉnh tới mức mong muốn.
  9. Mở cổng ngăn cách hóa hệ thống hút đàm kín tại van khóa và kết nối hệ thống hút đàm kín với dây nối của máy hút.
  10. Gắn bơm tiêm 20mL chứa nước cất hoặc nước muối 0.9% vào cổng rửa.
  11. Mở khóa van khóa của hệ thống hút đàm kín và hút thử 5mL nước trong bơm tiêm để kiểm tra lại lần nữa áp lực hút và tráng ống.
  12. Ước tính độ sâu cần đưa vào tương đương với số đo tại vị trí cố định ống NKQ và đưa vào thêm 2 cm. Lúc này vị trí ống hút đàm vừa qua khỏi đầu ống nội khí 2cm và nằm trong lòng khí quản. Việc ước tính này cần làm với cách hút ngay đầu ống NKQ. Ví dụ ống nội khí quản được cố định tại vị trí 24cm ở mép miệng, vậy cần đưa ống hút đàm đến mức 26cm ngang mép miệng.
  13. Dùng tay không thuận giữ cố định khớp nối hệ thống hút kín với ống NKQ và tay thuận đưa ống hút đàm vào đến vị trí đã ước tính.
  14. Khi ống hút đàm đã nằm đúng vị trí, đưa tay thuận lùi xuống vị trí van hút để tạo áp lực. Khi cảm nhận đã hút sạch tại vị trí đó, bỏ tay khỏi van áp lực.
  15. Kéo dây hút đàm ngược ra một đoạn và tiếp tục dừng lại để hút. TUYỆT ĐỐI KHÔNG VỪA ĐẶT TAY TRÊN VAN HÚT VỪA KÉO NGƯỢC DÂY HÚT ĐÀM RA khi thực hiện kỹ thuật hút đàm sâu vì đầu dây hút sẽ dính chặt vào niêm mạc khí quản và gây tổn thương niêm mạc khi vừa kéo vừa hút.
  16. Thời gian hút một lần không quá 15 giây (tương đương với một nhip thở của người thực hiện)
  17. Tráng lại ống hút đàm và thực hiện lại thao tác hút (từ bước 12 đến 17) nếu cần, thời gian nghỉ giữa những lần hút là 30 giây và tổng thời gian hút không quá 5 phút.
  18. Sau khi hoàn tất hút đàm, khóa van tại áp lực và gỡ dây nối của bình hút đàm ra.
  19. Loại bỏ bơm tiêm chứa nước để tráng ống và phân loại rác theo quy định.
  20. Vệ sinh tay thường quy.

Những tình huống có thể xảy ra khi hút đàm và hướng xử trí:

Bệnh nhân tụt SpO2 trong lúc hút -> ngừng hút và gắn hệ thống máy thở lại. Kiểm tra lại vị trí ống nội khí quản, nếu tụt ống nội khí quản cần bóp bóng bằng tay và đặt lại ống nội khí quản. Nếu ống nội khí quản vẫn đúng vị trí, đợi cho đến khi tình trạng người bệnh ổn định lại mới tiếp tục hút đàm.

Những tai biến, biến chứng và cách phòng ngừa:

Chảy máu, tổn thương niêm mạc: Đảm bảo kiểm tra áp lực hút phù hợp trước mỗi lần hút, thao tác nhẹ nhàng và TUYỆT ĐỐI KHÔNG vừa hút vừa rút dây hút đàm ra vì sẽ gây trầy xước niêm mạc.

Thiếu oxy: cho người bệnh thở oxy dự trữ, theo dõi SpO2 khi hút, thời gian một lần hút không vượt quá 15 giây và không bấm hút khi đang đưa dây hút vào.

Xẹp phổi: chỉ hút khi người bệnh có đấu hiệu ứ dọng đàm nhớt (không hút định kỳ theo một khung giờ), nên dùng hệ thống hút đàm kín nhằm hạn chế phải tháo dây máy thở khỏi ống NKQ ( bởi vì việc này làm mất PEEP).

Viêm phổi: Tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn khi hút đàm, hạn chế việc bơm nước muối vô khuẩn vào ống NKQ vì lượng nước đi vào có thể đẩy đàm nhớt sâu hơn và không đảm bảo ta có thể hút hết lượng nước đã bơm vào.

Giảm nhịp tim/ ngừng tim: theo dõi sát người bệnh trong lúc hút đàm, hạn chế đưa ống quá sâu vì gây kích thích dây thần kinh X.

Tài liệu tham khảo:

Bài 63 “HÚT ĐỜM NHỚT”, trang 258 – Sách “ĐIỀU DƯỠNG CƠ BẢN II” – Bộ Y Tế (2012)

Be kind,

Phương Vũ.