Phòng và xử trí cấp cứu phản vệ

Phòng và xử trí cấp cứu phản vệ

nurseanesthetist1999

Thông tư số 51/2017/TT-BYT áp dụng cho tất cả các cơ sở y tế, tất cả người tham gia khám chữa bệnh và tất cả người có liên quan.

  1. Định nghĩa phản vệ, sốc phản vệ
  2. Triệu chứng gợi ý phản vệ
  3. Dự phòng phản vệ
  4. Mức độ sốc phản vệ
  5. Xử trí cấp cứu sốc phản vệ
  6. Sau khi hoàn tất xử trí cấp cứu sốc phản vệ

1. Định nghĩa phản vệ, sốc phản vệ:

Phản vệ: “Phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với với dị nguyên gây ra các bệnh cảnh âm sàng khác nhau, có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng” (1). Phản vệ có thể xảy ra ở bất cứ đâu với bất kỳ thuốc hay dị nguyên nào (thuốc, hóa chất, vaccine, huyết thanh, thức ăn, mỹ phẩm, … ) và diễn biến lâm sàng phong phú, phức tạp, khó lường trước.

Dị nguyên: “Dị nguyên là yếu tố lạ khi tiếp xúc có khả năng gây phản ứng dị ứng cho cơ thể bao gồm thức ăn, thuốc và các yếu tố khác.” (1). Nghĩa là dị nguyên có thể là bất kỳ yếu tố nào, bạn có thể đã biết hoặc chưa phát hiện như lông mèo, phấn hoa, thuốc tê, thuốc kháng sinh, …

Sốc phản vệ: “Sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản có thể gây tử vong trong vòng một vài phút.” (1). Một bệnh nhân có thể nhanh chóng chuyển từ tình trạng phản vệ sang sốc phản vệ thế nên cách tốt nhất để bảo vệ chính bản thân nhân viên y tế và người bệnh là LUÔN ĐẢM BẢO HỎI RÕ NGƯỜI BỆNH VỀ TIỀN SỬ SỬ DỤNG THUỐC VÀ DỊ ỨNG.

2. Triệu chứng gợi ý phản vệ:

Một số triệu chứng xuất hiện sau khi tiếp xúc với dị nguyên gợi ý tình trạng phản vệ:


– Trên da niêm: mày đay, ngứa, phù mạch (ảnh).
– Trên hệ hô hấp: khó thở, tức ngực, thở rít.
– Trên hệ tuần hoàn: tụt huyết áp, ngất.
– Trên hệ tiêu hóa: đau bụng, nôn, tiêu chảy.
– Trên hệ thần kinh: lơ mơ, rối loạn ý thức.

Trong đó, triệu chứng xuất hiện trên hệ tiêu hóa thướng bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh cảnh khác với sốc phản vệ. Đôi khi, triệu chứng khó thở – mang tính chủ quan ở người bệnh nên dễ bị ảnh hường bởi tâm lý. Vì vậy luôn cần xác định lại triệu chứng khó thở bằng cách nghe phổi có tiếng ran rít.
Đọc thêm các bệnh cảnh lâm sàng có thể gặp theo thông tư số 51/2017/TT-BYT, tại đây.

3. Dự phòng phản vệ:

Sử dụng thuốc bằng đường phù hợp nhất, “chỉ tiêm khi không sử dụng được đường dùng khác”. Về nguyên tắc, đường dùng thuốc sẽ do bác sĩ chỉ định và điều dưỡng/ kỹ thuật viên là người thực hiện. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rõ rằng bản thân người điều dưỡng/kỹ thuật viên là người chăm sóc và tiếp xúc nhiều với người bệnh. Vì vậy, điều dưỡng/ kỹ thuật viên có thể đề nghị với bác sĩ về đường dùng thuốc phù hợp hơn, dựa trên chẩn đoán điều dưỡng của bản thân.

KHÔNG phải thử phản ứng cho tất cả thuốc trừ khi có chỉ định của bác sĩ.

KHÔNG được kê đơn thuốc, sử dụng thuốc/ dị nguyên đã biết rõ sẽ gây phản vệ cho người bệnh.

Trên thực tế lâm sàng, đôi khi có thể gặp các nhân viên y tế thử test thuốc ( ví dụ: test kháng sinh bằng cách cho một lượng nhỏ 1-2ml kháng sinh sau khi pha qua đường truyền tĩnh mạch của người bệnh và quan sát xem người bệnh có phản ứng bất thường không? Sau đó mới truyền toàn bộ lượng thuốc kháng sinh). Nhưng cho đến thời điểm hiện tại hầu như đã bỏ, việc test âm tính khiến nhân viên y tế chủ quan và không thể test với các đường dùng khác như đường uống, đường bôi, … Vì vậy, cách phòng ngừa tốt nhất là người kê đơn thuốc, người thực hiện thuốc và tất cả những nhân viên y tế có thẩm quyền liên quan phải khai thác kỹ tiền sử dị ứng thuốc, dị nguyên của người bệnh trước khi kê đơn thuốc hoặc chỉ định sử dụng thuốc dựa theo phụ lục VI, thông tư 51/2017/TT-BYT.

4. Mức độ sốc phản vệ

Phản vệ được chia thành 4 mức độ, và trong quá trình tiến triển người bệnh có thể nặng lên rất nhanh mà không theo tuần tự.
Nhẹ (độ I) : chỉ có các triệu chứng da, tổ chức dưới da và niêm mạc như mày đay, ngứa, phù mạch. Mức độ nhẹ hay còn được gọi là dị ứng.
Nặng (độ II) : Có từ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan:
a) Mày đay, phù mạch xuất hiện nhanh.
b) Khó thở nhanh nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi.
c) Đau bụng, nôn, ỉa chảy.
d) Huyết áp chưa tụt hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp.
Nguy kịch (độ III) : biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn như sau:
a) Đường thở: tiếng rít thanh quản, phù thanh quản.
b) Thở: thở nhanh, khò khè, tìm tái, rối loạn nhịp thở.
c) Rối loạn ý thức: vật vã, hôn mê, co giật, rối loạn cơ tròn.
d) Tuần hoàn: sốc, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt.
Ngừng tuần hoàn (độ IV) : Biểu hiện ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn.

5. Xử trí cấp cứu sốc phản vệ:

4 nguyên tắc chung khi xử trí cấp cứu phản vệ:
1. Tất cả trường hợp phản vệ phải được phát hiện sớm, xử trí kịp thời ngay tại thời điểm phát hiện và theo dõi liên tục ít nhất trong vòng 24 giờ.
2. Người phát hiện đầu tiên phải xử trí ban đầu cấp cứu phản vệ. Người phát hiện đầu tiên có thể là bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhân viên y tế khác.
3. Adrenalin là thuốc thiết yếu, đầu tay để cấp cứu khi người bệnh xảy ra shock phản vệ. Thuốc phải được tiêm bắp ngay khi chẩn đoán phản vệ độ II, III, IV và tiếp tục sử dụng khi cần theo “Phác đồ sử dụng adrenalin và truyền dịch”.
4. Với một số trường hợp đặc biệt cần xử trí phản vệ còn phải xử trí theo “Hướng dẫn xử trí phản vệ trong một số trường hợp đặc biệt”

6. Sau khi hoàn tất xử trí cấp cứu sốc phản vệ

Trong trường hợp đã hoàn tất xử trí cấp cứu sốc phản vệ, xác định được thuốc hoặc dị nguyên gây phản vệ, nhân viên y tế cần thực hiện các việc sau:
– Cấp cho người bệnh thẻ theo dõi dị ứng có ghi rõ tên thuốc/ dị nguyên gây dị ứng. Đồng thời, giải thích và nhắc nhớ người bệnh về việc cung cấp thông tin này cho tất cả bác sĩ và nhân viên y tế khi khám chữa bệnh.

– Ghi chú đầy đủ và rõ ràng tất cả các thông tin liên quan đến phản vệ vào sổ khám bệnh, bệnh án, giấy chuyển viện, giấy ra viện.
– Báo cáo giao ban cùng ban lãnh đạo, đồng nghiệp khoa đang công tác để thảo luận và cảnh báo về nguy cơ sốc phản vệ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và với bất kỳ ai.
– Báo cáo về Trung tâm Quốc gia về Thông tin Thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc hoặc Trung tâm Khu vực Thành phố Hồ Chí Minh về Thông tin Thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc. Có ba cách để khai báo các tác hại của thuốc:
1. Khai báo trực tuyến bằng công cụ sau đó gửi về email di.pvcenter@gmail.com. Cài đặt công cụ báo cáo và hướng dẫn sử dụng tại đây.
2. Khai báo trực tuyến bằng link online tại đây.
3. In mẫu báo cáo tại đây và gửi báo cáo qua đường bưu điện (Thư gửi về: Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc. Địa chỉ: 13, 15 Lê Thánh Tông, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội); email (di.pvcenter@gmail.com); fax (+84 4 3933 5642) của Trung tâm DI & ADR Quốc gia.

Tài liệu tham khảo:

  1. Thông tư 51/2017/TT-BYT, tại đây.
  2. Hướng dẫn báo cáo ADR của “Trung tâm Quốc gia về Thông tin Thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc” , tại đây.
  3. Hình ảnh bệnh nhân có phù mạch của Wikipedia, tại đây.
  4. Phác đồ cấp cứu ban đầu phản vệ của khoa Hồi sức tích cực bệnh viện Bạch Mai.

Be kind,

Phương Vũ.