Phác đồ sử dụng adrenalin và truyền dịch

Phác đồ sử dụng adrenalin và truyền dịch

nurseanesthetist1999

Mục tiêu: nâng và duy trì ổn định huyết áp tối đa của người lớn lên ≥ 90mmHg, trẻ em ≥ 70mmHg và không còn các dấu hiệu về hô hấp như thở rít, khó thở; dấu hiệu về tiêu hóa như nôn mửa, ỉa chảy.

  1. Phác đồ sử dụng adrenalin và truyền dịch
  2. Xử trí tiếp theo

Trước khi bắt đầu bài viết, cần làm rõ một điều bác sĩ đôi khi không phải là người tiếp cận ban đầu đối với người bệnh. Tại Châu Âu, người ta cũng thống nhất rằng adrenaline là thuốc cấp cứu đầu tay và tuyệt đối; có tác dụng cho tất cả các triệu chứng phản vệ từ nhẹ đến nặng. Vậy nên, với phác đồ sử dụng adrenaline, tất cả các nhân viên y tế đều cần biết để có thể xử trí ban đầu trước khi bác sĩ có mặt hoặc trước khi người bệnh có thể tiếp cận hệ thống y tế.

1. Phác đồ sử dụng adrenaline

Thuốc adrenaline 1 ống (1mg/ml), tiêm bắp:
a) Trẻ sơ sinh hoặc trẻ <10kg: 0,2ml (tương đương 1/5 ống).
b) Trẻ khoảng 10kg: 0,25ml (tương đương 1/4 ống).
c) Trẻ khoảng 20kg: 0,3ml (tương đương 1/3 ống).
d) Trẻ >30kg: 0,5ml (tương đương 1/2 ống).
e) Người lớn: 0,5-1 ml (tương đương 1/2 -1 ống).
Lưu ý: Có thế tiêm tại tất cả vị trí có thể tiêm bắp. Nhưng có nhiều nghiên cứu đã chứng minh tiêm bắp tại vị trí mặt trước đùi hấp thu tốt hơn vì cơ đùi là một trong những cơ lớn của cơ thể và được nuôi dưỡng bằng một lượng máu lớn. Chình vì thế, thuốc hấp thu nhanh chóng và bắt đầu có tác dụng. Trong các trường hợp khẩn cấp, có thể chích adrenaline tại vị trí 1/3 ngoài đùi không cần sát trùng và chích xuyên qua quần áo .

Hướng dẫn vị trí tiêm và cách sử dụng bút epipen của Health, xem thêm tại đây.

Theo dõi huyết áp 3-5 phút/ lần.

Tiêm nhắc lại adrenaline liều như mục 1. mỗi 3-5 phút/lần cho đến khi huyết áp và mạch ổn định. Adrenaline là thuốc có tác dụng ngay khi vào máu, nhưng thời gian bán thải của thuốc chỉ từ 3-5 phút vì thế cần nhắc lại sau 3-5 phút khi thuốc chưa đạt được hiệu quả mong đợi.

Nếu mạch không bắt được và huyết áp không đo được, các dấu hiệu hô hấp và tiêu hóa nặng lên sau 2-3 lần tiêm bắp như mục 1. hoặc có nguy cơ ngừng tuần hoàn phải:
– TH1 (Chưa có đường truyền tĩnh mạch): Tiêm tĩnh mạch chậm dung dịch adrenalin 1/10.000 (1 ống adrenaline 1mg pha với 9ml nước cất = pha loãng 1/10). Liều adrenaline tiêm tĩnh mạch chậm trong cấp cứu phản vệ chỉ bằng 1/10 liều adrenalin tiêm tĩnh mạch trong cấp cứu ngừng tuần hoàn. Liều dùng:
+ Người lớn: 0,5-1ml (dung dịch pha loãng 1/10.000 = 100mcg/1ml) tiêm trong 1-3 phút, sau 3 phút có thể tiêm tiếp lần 2 hoặc lần 3 nếu mạch và huyết áp chưa lên. Chuyển ngay sang truyền tĩnh mạch liên tục khi đã thiết lập được đường truyền.
+ Trẻ em: không áp dụng tiêm tĩnh mạch.

-TH2 (Đã có đường truyền tĩnh mạch): truyền tĩnh mạch liên tục adrenaline (pha adrenalin với dung dịch natriclorid 0,9%) cho người bệnh kém đáp ứng với adrenaline và đã được truyền đủ dịch. Bắt đầu bằng liều 0,1mcg/kg/phút, cứ 3-5 phút điều chỉnh liều adrenalin tùy theo đáp ứng của người bệnh.

Bảng tham khảo cách pha loãng adrenaline với dung dịch NaCl 0.9% và tốc độ truyền tĩnh mạch chậm.

Đồng thời với việc dùng adrenaline truyền tĩnh mạch liên tục, truyền nhanh dung dịch natriclorid 0,9% 1000-2000ml ở người lớn, 10-20ml/kg trong 10-20 phút ở trẻ em có thể nhắc lại cần thiết.

Khi đã có đường truyền tĩnh mạch adrenalin với liều duy trì huyết áp ổn định thì có thể theo dõi mạch và huyết áp 1 giờ/lần đến 24 giờ.

Nếu không nâng được huyết áp theo mục tiêu sau khi đã truyền đủ dịch và adrenalin, có thể truyền thêm dung dịch keo (huyết tương, albumin hoặc bất kỳ dung dịch cao phân tử nào sẵn có).

2. Xử trí tiếp theo

– Hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn: Tùy mức độ suy tuần hoàn, hô hấp có thể sử dụng một hoặc các biện pháp sau đây:
+ Thở oxy qua mặt nạ: 6-10 lít/phút cho người lớn, 2-4 lít phút ở trẻ em.
+ Bóp bóng AMBU có oxy
+ Đặt ống nội khí quản thông khí nhân tạo có oxy nếu thở rít tăng lên và không đáp ứng với adrenalin
+ Mở khí quản nếu có phù thanh môn hạ họng không đặt được nội khí quản.
+ Truyền tĩnh mạch chậm: aminophyllin 1mg/kg/giờ hoặc salbutamol 0,1mcg/kg/phút hoặc terbutalin 0,1mcg/kg/phút (tốt nhất là qua bơm tiêm điện hoặc máy truyền dịch)
+ Có thể thay thế aminophyllin bằng sabutamol 5mg khí dung qua mặt nạ hoặc xịt họng salbutamol 100mcg người lớn 2-4 nhát/lần, trẻ em 2 nhát/lần , 4-6 lần trong ngày.

– Thuốc khác:
+Methylprednisolon 1-2mg/kg ở người lớn, tối đa 50mg ở trẻ em hoặc hydrocortison 200mg ở người lớn, tối đa 100mg ở trẻ em, tiêm tĩnh mạch (có thể tiêm bắp ở tuyến cơ sở).
+Kháng histamin H1 như diphenhydramin tiêm bắp hoặc tĩnh mạch: người lớn 25-50mg và trẻ em 10-25mg.
+ Kháng histamin H2 như ranitidin: ở người lớn 50mg, ở trẻ em 1mg/kg pha trong 20mL Dextrose 5% tiêm tĩnh mạch trong 5 phút.
+ Glucagon: sử dụng trong các trường hợp tụt huyết áp và nhịp chậm không đáp ứng với adrenalin. Liều dùng: người lớn 1-5mg tiêm tĩnh mạch trong 5 phút, trẻ em 20-30mcg/kg, tối đa 1mg sau đó duy trì truyền tĩnh mạch 5-15mcg/phút tùy theo đáp ứng lâm sàng. Bảo đảm đường thở tốt vì glucagon thường gây nôn.
+ Có thể phối hợp thêm các thuốc vận mạch khác như: dopamin, dobutamin, noradrealin truyền tĩnh mạch khi người bệnh có sốc nặng đã được truyền đủ dịch và adrenalin mà huyết áp không lên.

Tài liệu tham khảo:

  1. Thông tư số 51/2017/TT-BYT (tại đây)
  2. Bài hỏi đáp nhanh “Why is Epinephrine Administered to the Outer Thigh and Not the Arm?”, tại đây.

Be kind,

Phương Vũ.