Quá nửa chặng hành trình

Quá nửa chặng hành trình

nurseanesthetist1999

Trải qua 6 tháng học thực hành, tôi gặp mấy đợt sinh viên đi thực tập. Tụi nhỏ lóc chóc và ngày một đông, sở thích của đám sinh viên – kể cả đám bạn chúng tôi từ thời đi học – là tụ nhau lại và buôn chuyện. Thế nên không khó để thấy tụi nhỏ bị rầy vì đứng cả đám – đông chật ních ở phòng tiền mê, nghe tụi nhỏ bị rầy mà miệng tôi mỉm cười bâng quơ nhớ về lũ trẻ cũng từng bị rầy như thế. Vậy mà giờ đứa nào cũng có lối đi riêng, cũng rất xịn và mong là … cũng rất hạnh phúc.

Những đêm trực, vô trực sớm và chưa có ca bệnh tôi thường ngồi tỉ tê cùng mấy bé sinh viên năm 3, năm 4, tụi nhỏ hay tò mò về cuộc sống lúc đi học thực hành “Sao chị lại chọn học việc ? Học “hỏng” có lương vậy nản không nhỉ chị ? …” Và ti tỉ câu hỏi tương tự như thế, và nếu thật lòng để trả lời câu hỏi như thế thì sẽ là “Buồn chứ, chắc chắn phải buồn chứ. Khi tụi bạn cùng lớp của mình đã đi làm và thu nhập lên đến hàng chục mà mình vẫn còn chững lại thì cớ sao không rầu. Khi tụi nó bắt đầu mua vàng cho bà và san sẻ được với bố mẹ mà mình còn ở đây thêu thêm ngôi sao thứ năm lên áo – xách đít đi học – và tiền điện hàng tháng ở nhà mình còn chưa thể trả thì cớ sao mà không tủi. Khi mà những ngày ghé ngang về nhà nhận ra tóc bố đã bạc gần trắng đầu và mẹ cũng bắt đầu phải nhờ mình nhuộm tóc vì những câu hỏi vu vơ về mớ tóc mai bắt đầu chuyển màu thì cớ sao mà không vội.”

Buồn là thế mà biết sao cho được, dù gì cũng là con đường mình đã chọn để bước đi, con đường dài và vắng. Có những ngày đã mệt nhoài, đã rũ rượi, đã chớm bứt rứt, đã toan buông bỏ, đã biết nghẹn lòng, … Rồi bỗng phát hiện, cuối con đường vắng ấy, ngày mai vẫn tiếp nối ngày mai, mà biết đâu phía mịt mù đó có thể là một căn nhà gỗ ngang lưng đồi, nơi đám cúc dại liếm lên thềm nhà dưới cái nắng dịu một buổi sớm. Để mình nhẹ nhàng nắm tay và ngồi bên hiên cùng một người thương đã đồng hành và sẽ đồng hành cùng mình trên những hành trình. Tất nhiên, nỗi lo và buồn ấy vẫn luôn ở đó. Mà nghĩ về cái chân trời cuối con đường ấy, vui buồn rồi sẽ viết xuống, nỗi lo bỗng trở nên nhẹ bâng – như một áng mây …

Có lẽ mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp lên, mà lỡ đâu, đi đến cuối con đường rồi mà chẳng tìm được ai nắm tay cùng đi, cũng chẳng có nắng với hoa. Khi ấy, nhìn lại đoạn đường tối và mông lung mình đã từng đi qua. Chẳng lẽ không thấy kỳ diệu sao? Không tự khen mình đã mạnh mẽ sao? Chẳng mỉm cười vì một chặng hành trình đã trưởng thành hơn sao? Không tự hào vì mình có những người bạn chân thành vẫn luôn lắng nghe và thì thầm cùng mình cái buồn những tháng ngày đầy lắng lo ấy hay sao? Không thấy may mắn vì được biết những người anh, người chị đồng nghiệp chỉ dẫn mình như đứa em út, đứa con trong nhà hay sao? Rồi chẳng tự biết ơn vì mình vẫn còn một gia đình nhỏ bao dung và nhẹ nhàng nói cùng mình “Cứ yên tâm học, không phải lo lắng gì cả, bố mẹ còn lo được.” hay sao ? …

Giờ đây, tôi vẫn còn nhớ về lũ trẻ những năm ấy. Chỉ khác là giờ – mỗi đứa đều có những ước vọng, khát khao và lo toan của riêng mình – có khi là hạnh phúc, có khi là mông lung, có khi là đang tìm kiếm một điều gì ý nghĩa hơn cho hành trình phía trước. Không ai biết được, có khi chính bản thân lũ trẻ ấy cũng chưa tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi đó – hoặc cũng có khi sẽ không bao giờ tìm thấy. Mà cái quan trọng là không có gì tuyệt vời bằng việc mình được sống chân thật, không so sánh, không đối phó – sống nhẹ nhàng – sống tươi tỉnh – sống cởi mở – sống thản nhiên trong một lần ghé ngang trần gian này bạn nhỉ ? Nên vậy hen – khi lòng mình còn trẻ, còn nồng nàn và còn ấm áp – chỉ cần có người tốt và thương mình thì ngu gì mà “hỏng” tin cuộc đời này còn xanh, còn đẹp và mình còn một hành trình đầy diệu kỳ phía trước.

Sài Gòn, 22/08/2022 – tròn 6 tháng học thực hành.

Be kind,

Phương Vũ.