Xử trí phản vệ trong một số trường hợp đặc biệt

Xử trí phản vệ trong một số trường hợp đặc biệt

nurseanesthetist1999

Bài viết bao gồm 3 phần:

  1. Phản vệ trên người bệnh đang dùng thuốc chẹn thụ thể Beta
  2. Phản vệ trong khi gây mê, gây tê phẫu thuật
  3. Phân biệt sốc phản vệ và ngộ độc thuốc tê

1. Phản vệ trên người bệnh đang dùng thuốc chẹn thụ thể Beta

Thuốc chẹn thụ thể Beta (Beta blocker) là những thuốc phổ biến trong phòng ngừa và điều trị bệnh tim mạch. Hiểu thêm về thuốc chẹn thụ thể Beta blocker tại đây. Thông tin cần làm rõ tại đây là bốn lưu ý khi người bệnh sử dụng thuốc chẹn thụ thể Beta xảy ra sốc phản vệ:

  1. Người bệnh thường đáp ứng kém với adrenaline làm tăng nguy cơ tử vong.
  2. Về cơ bản, xử trí sốc phản vệ trên những người bệnh có sử dụng thuốc chẹn thụ thể Beta tương tự như phác đồ chung về xử trí sốc phản vệ (theo dõi sát huyết động, truyền tĩnh mạch adrenaline và có thể sử dụng thêm những thuốc vận mạch khác).
  3. Trong trường hợp người bệnh có co thắt phế quản : nếu thuốc cường beta 2 đáp ứng kém, nên dùng thêm kháng cholinergic (ipratropium 0,5mg khí dung hoặc 2 nhát đường xịt)
  4. Xem xét dùng thêm glucagon khi người bệnh không đáp ứng với adrenaline.

2. Phản vệ trong khi gây mê, gây tê phẫu thuật

Trong trường hợp, người bệnh đã được gây mê, an thần thường khó chẩn đoán phản vệ vì không đánh giá được các dấu hiệu chủ quan ( người bệnh than khó thở, chóng mặt, …). Vì vậy, đối với những bệnh nhân cần gây mê, gây tê trong phẫu thuật cần có các thiết bị theo dõi để đánh giá kỹ các triệu chứng như tụt huyết áp, giảm nồng độ oxy máu, mạch nhanh, xuất hiện ran rít hoặc thở co kéo ( trong trường hợp người bệnh dùng an thần) và khai thác kỹ tiền sử dị ứng trước khi tiến hành gây mê, gây tê.

3. Phân biệt sốc phản vệ và ngộ độc thuốc tê

Tương tự như việc sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, sử dụng thuốc tê trên người bệnh cũng có thể gây sốc phản vệ. Nguy cơ dị ứng thuốc tê là cực kỳ hiếm, và thường xảy ra ở nhóm thuốc tê amino ester hơn là nhóm Amino amide (các thuốc tê nhóm amide như Lidocain, Bupivacain, Ropivacaine, Levobupivacaine). Do Amino ester chuyển hóa tạo ra sản phẩm para-aminobenzoic acid là chất dễ gây dị ứng. Ngoài ra có thể do chất bảo quản như: methylparaben, tá dược có trong thuốc…

Phân biệt ngộ độc thuốc tê và sốc phản vệ do thuốc tê thông thường dựa vào biểu hiện lâm sàng như sau:

Ngộ độc thuốc têSốc phản vệ liên quan đến sử dụng thuốc tê
Ngộ độc là những biểu hiện sinh học ở mô thần kinh cũng như trên mô tim. Phản vệ là một phản ứng hoàn toàn khác liên quan đến đến IgE trên tế bào Mast.
Biểu hiện triệu chứng trên hệ thần kinh và hệ tim mạch (biểu hiện trên hệ tim mạch đôi khi là biểu hiện duy nhất của ngộ độc thuốc tê nặng)Biểu hiện triệu chứng đa dạng theo thông tư số 51/2017/TT-BYT, không biểu hiện triệu chứng đặc hiệu trên hệ thần kinh như ngộ độc thuốc tê

Về lý thuyết, việc phân biệt ngộ độc thuốc tê và sốc phản vệ với thuốc tê có thể rõ ràng dựa vào các biểu hiện triệu chứng. Và nếu, các triệu chứng trên thực tế lâm sàng có thể giúp ta phân biệt rõ người bệnh đang xảy ra ngộ độc thuốc tê hay sốc phản vệ thì việc xử trí có thể dựa vào phác đồ điều trị tương ứng. Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng, đôi khi xảy ra phản ứng ngộ độc thuốc tê nặng người bệnh có thể ngay lập tức biểu hiện triệu chứng tim mạch và không dễ để phân biệt với sốc phản vệ. Vì thế, ngay cả trong phụ lục IV “Hướng dẫn xử trí phản vệ trong một số trường hợp đặc biệt” theo Thông tư 51/2017/TTBYT cũng nhắc rõ rằng “cần phải điều trị cấp cứu bằng thuốc kháng độc (nhũ dịch lipid) kết hợp với adrenalin vì không thể biết được ngay cơ chế phản ứng là nguyên nhân ngộ độc hay dị ứng.” và ” Ngay khi nghi ngờ phản vệ, có thể lấy máu định lượng tryptase tại thời điểm chẩn đoán và mức tryptase nền của bệnh nhân”.

Tài liệu tham khảo:

  1. Thông tư 51/2017/TT-BYT, tại đây.
  2. Hình ảnh bệnh nhân có phù mạch của Wikipedia, tại đây.
  3. Phác đồ điều trị ngộ độc thuốc tê bệnh viện Từ Dũ, tại đây.

Be kind,

Phương Vũ.