Nhiều khi bạn nghĩ, bạn lướt ngang phần đời một người như vô tình lướt qua vài phân cảnh của một bộ phim dài. Có chuyện xem thấy thú vị, có cảnh lại đượm buồn, … để lại một phần đời của ai đó trong mảnh đời của bạn.
Mẹ hay kể: “Khi xưa nhà bà ngoại ở sát bờ kè, mãi sau ngoại chuyển vào trong (xa hơn bờ kênh chút ít) ở cùng nhà với bác Tư cho đến tận ngày ngoại rời đi”. Mẹ không hay đi xa, thế nên, bờ kè trong mỗi câu chuyện mẹ kể mặc nhiên là dọc bờ kênh Nhiêu Lộc đoạn đường Đặng Văn Ngữ. Nhiều khi bạn nghĩ cũng lạ! Mẹ sống từ thời kênh còn xanh, thời người ta còn chưa tới chống một dải chòi chằng chịt ở hông bờ kè, thời con kênh còn chưa “chết”. Cho đến tận ngày nay, mẹ đã hai thứ tóc, ngoại cũng không còn và dòng kênh đã được “hồi sinh”. Thế nên, đôi khi nghe những câu chuyện của mẹ, bạn cũng tò mò. Có khi nào mẹ đi ngang dòng kênh mà thấy lạ lẫm. Bởi bạn nghĩ, con người, dù thế nào, thường ghi lại cảnh cũ, mường tượng rằng mình thấy nó, sống trong nó như sống lại thời niên thiếu. Để nó trở thành thứ gai góc, huyền bí, sâu thẳm mà lại êm dịu nhất và mỗi khi nhớ lại, không chỉ có nỗi buồn … Như những ngày gần bước đi trên “hành trình mới”, ngoại bắt đầu đọc tên bà Tượng, ông Nghiễn,… những cái tên mà tới lứa cháu của ngoại bắt đầu nghe lạ lẫm – như một phần tiềm thức mà hẳn ngoại thường thấy nó trong những giấc mơ. Và cả với mẹ và bác Tư – họ cũng thế, nhớ rõ và có thể đọc vanh vách nhà cụ ấy ở ngõ kia, ngách nào …
Hồi nhỏ, bạn vẫn còn nhớ, nhà ngoại cách nhà bạn chừng 20 phút ngồi sau xe dì. Mà quãng đường từ nhà đến nhà ngoại chưa bao giờ chán. Không dừng lại ở một hàng nhỏ trong lòng chợ, thì sau xe dì luôn có một cô em họ (gọi là em nhưng hai đứa thì bằng tuổi nhau) bịa đủ thứ chuyện ra nói. Hễ mà có dịp được mẹ thả cho qua nhà ngoại khi bé là mừng hết lớn – nhà ngoại trong tuổi thơ của bạn có những buổi trưa yên bình và là thiên đường vui chơi của hai nhỏ thời đó. Lớn hơn chút, những ngày ở nhà ngoại bạn bắt đầu cảm nhận được cái buồn vì những lần cãi vã của các bác, vì cái hình ảnh cậu ngồi thừ trên bàn ăn – đối diện ngoại – khi trải qua cái buồn của hôn nhân, vì lời thề dù bà có mất dì cũng sẽ không về dự … hay chỉ đơn giản là vì bạn lớn hơn và bắt đầu nhận ra những cái buồn của “người lớn”. Thế là sau những trận cuồng phong, dì xách đồ đi biệt tăm mặc cho tàn dư còn trong lòng người ở lại và có lẽ cả lòng dì nữa. Ngày dì bỏ đi, không chỉ bà mất đi một người con, mẹ mất đi một người em – mà hình như cả bạn nữa, bạn cũng mất đi một người bạn tuổi thơ. Bỗng, bạn nhớ về hai cô bé ngồi ở thềm nhà ngoại, vô tư lự mà không rõ tự bao giờ, đã chớm biết buồn …
Đến năm 2 đại học, khi bạn học những kỹ thuật chăm sóc điều dưỡng và bắt đầu biết mang những kiến thức chăm sóc bạn học được chăm sóc cho ngoại. Bạn hay nghĩ trong lòng ngoại là bệnh nhân và cũng là một trong những người thầy dạy thực hành đầu tiên của bạn. Người đầu tiên bạn gội đầu tại giường, người đầu tiên bạn tắm tại giường,… Nhưng chắc từ sâu thẳm bạn cũng biết, có những việc bạn chưa từng nghĩ đến và không bao giờ muốn làm trên người nhà của bạn. Ngày gần cuối đời ngoại, cả nhà đều biết ngoại rất yếu, gần hai ngày ngoại không ăn được gì nhiều và gần như không còn nói chuyện. Thế nên, ngày bạn đặt sonde dạ dày nuôi ăn cho ngoại, khi vảng bên tai bạn là tiếng rên nhỏ của bà, khi bạn thoáng nhìn thấy đôi mắt đỏ hoe của mẹ – có gì đó vụn vỡ và áy náy. Bấy giờ, bạn biết chắc trong cuốn sổ của đời bạn, có một mảnh tan vỡ …
Có những ngày, bạn mang đầy ấm ức trong bụng sang thăm ngoại do mẹ sai đi, mang theo đôi khi chỉ là trái dưa bở đầu mùa, mẻ khoai sọ đầu tiên được sới khỏi đất mà bố trồng. Nhiều khi ấm ức vậy, mà bạn không dám cãi lời mẹ, vác xe chạy dưới cái nắng chảy thành dòng, nắng cháy da, nắng bể đầu. Tận đến bây giờ bạn mới hiểu, đó là lòng thương kính của bố mẹ dành cho ngoại – cái mà cố thế nào bạn cũng chưa tận tâm được như thế.
Cách chỉ một dòng kênh mà nhà ngoại như một thế giới khác, mà giờ phía bên kia kênh đã không còn ngoại chờ bạn mỗi cuối tuần, không còn bà cụ lom khom ngồi xé ruốc ở giữa bếp, không còn bà cụ mắt đổ ghèn nhìn mờ căm, không còn tiếng đọc kinh vách vách giữa căn nhà trống … Giờ đây ngoại đã bước sang một chặng hành trình mới, mà ngoại vẫn sống hoài với ta, theo một cách rất riêng của ngoại, khi ai đó buột miệng nhắc về ngoại ” Hồi đó ngoại ngắm đàng thánh giá hay dữ lắm … Ngày xưa, bà xách cả 10 lít mắm đi bán, xa cả cây số …”. Và bạn cũng biết rằng, có những nỗi buồn mang một vẻ đẹp rất riêng …
Sài Gòn, 30/04/2022 – sinh nhật đầu tiên của ngoại trên những đám mây.
Be kind,
Phương Vũ.