Tôi trải qua những vấp ngã đầu tiên của mình tại đây, và thật may, tôi không cô đơn khi trải qua những chuyện này. Ba tháng ở bệnh viện dã chiến 6, tôi quen được nhiều người và được đồng hành cùng những người bạn rất tuyệt vời.
Hai giờ sáng, trở về căn hộ 9.02, tắm rửa lại lần nữa cũng phải hai giờ rưỡi. Tự dưng cả phòng lôi đầu nhau dậy để ăn mì, mỗi đứa một vách tường để dựa vào. Tô mì Hảo Hảo nghi ngút khói, chẳng có gì tuyệt hơn như thế này sau một ca trực khuya. Đó là cái cách phòng 9.02 chúng tôi dần dà quen nhau hơn. Thật khùng điên!
1) Tám màu sắc khác nhau:
Nhỏ đầu tiên, đứa rời bỏ cuộc chơi sớm nhất. Nhỏ hay cười to hô hố nhất phòng chúng tôi, mỗi khi nó đi trực về đến nhà thể nào cũng la làng ầm trời. Nó là lý do cho cả phòng tôi phải tập trung ra phòng khách để ăn cơm chung. Cũng là nhỏ đó, chỉ là lúc 2-3h sáng, nó ngồi co ro trên cái ghế nhựa duy nhất trong phòng để buồn tình. Ngày nó rời đi, để lại cả căn phòng buồn hiu không chỉ vào 2-3h sáng. Hôm nó về, tôi buồn tới mức không muốn xuống tiễn nó. Chúng tôi ngồi trên lầu, chỗ lan can nhìn bóng nó xa dần.
Cô bạn kế tiếp, bả là đứa kế tiếp rời phòng tụi tôi mà về. Bà này thì từ tốn và là cô giáo dạy yoga cho cả phòng. Cái tinh thần yoga nó thấm nhuần cả con người bả luôn. Bả là kiểu người một ngày mưa sẽ ra hứng từng cơn gió và hít thở. Bà này thì thuộc kiểu ít nói, có cái gì cũng im ỉm trong lòng. Hồi bả về, tôi tính nghỉ chơi bả luôn rồi vì chẳng nói chằng rằng. Đợt đó nếu bả không dương tính thì chắc tôi cũng chẳng biết bả sẽ về. Đến giờ bả vẫn thế, chẳng đổi gì cả, có khi một ngày đẹp trời bả sẽ gửi thiệp cưới cho tôi cũng nên.
Một đứa con gái khác trong phòng, nhỏ nhóm trưởng ekip trực chúng tôi, miệng nó lúc nào chửi đông đổng, chửi là cách giao tiếp của nó. Ăn cơm nó làm không hết là nó chửi, nấu mì xong không dọn dẹp là nó chửi, ai đụng tới ekip tụi tôi là nó chửi, … Miệng nó thì vậy nhưng chưa bao giờ nó để chúng tôi chịu thiệt. Nó cũng là đứa có nhiều điều khó nói thành lời. Ngày tôi được nghe nó kể về nỗi khổ tâm của nó chính tôi cũng giật mình. Chửi là cách nó che đi nỗi lòng của mình, có lẽ thế.
Trong phòng lại có thêm một cô, cô này thì hơi cục xúc xíu nhưng mà lại là người phân biệt trắng đen rạch ròi. Ai có chuyện với cổ là tự nhiên sẽ thấy cổ lạnh tanh ra mặt. Cô này thì thường ở nhà cùng tôi nhất mà ngày nào cổ có đi chơi thì lúc về thể nào cổ cũng có quà cho tôi. Cô này cũng thuộc dạng bí ẩn trong phòng, nhìn cổ lúc nào cũng mạnh mẽ vậy đó. Mà tự nhiên có hôm không tỉnh táo, cái tự nhiên ôm cô bé hàng xóm khóc tu hu.
Một tháng sau, có thêm một cô, học cùng lớp chúng tôi. Không ở cùng phòng chúng tôi, nhưng cô này thì xem phòng chúng tôi như nhà, lên xu đồ phòng tụi tôi tự nhiên lắm. Cái tính cô này thì thoải mái, ruột để ngoài da, nên cổ hông giấu cái gì hết trơn. Có món gì ngon đều chia sẻ với tụi tôi, có tin gì hay ho cổ đều biết, có chỗ nào ăn ngon trong Sài Gòn cổ cũng rành. Nói chung là sành điệu cực.
Phòng còn có hai ông con trai để làm mấy chuyện như đi lấy cơm, bưng đồ, … mà được cái có một ông, chán thôi rồi luôn. Cái lề mề của ổng lúc nào cũng mang lại tràng cười cho cả phòng. Quýnh bài mà đợi ổng ra quyết định chắc nấu được một bữa cơm, lấy cơm mà đợi ổng đi thì dùng đồ ăn trưa để ăn tối cũng nên, sáng ra trên kệ bếp mà có vỏ mì thì thể nào cũng là của ổng, … Ổng lúc nào cũng lù lù vậy á, mà chụp hình đẹp cực. Mỗi tội đợi để ổng lấy máy ra chụp cho thì ngủ được một giấc, lời hẹn chụp hình với pháo hoa trên sân thượng, ổng cũng chưa làm luôn.
Còn ông còn lại, ông này nhìn chung thì siêng lấy cơm, mang đồ về phòng; siêng chỉ bài cho tụi tôi. Mà có điều tự nhiên đang yên đang lành, ổng dương tính với COVID-19. Một hôm sau ngày phải lên phòng cách ly ở, cái phốt lớn ơi là lớn rơi trên trời xuống. Quá áp lực, ổng ăn không ngon, ngủ không yên rồi sụt ký và đợi hoài không thấy hết dương nên đành ăn Trung Thu một mình. Nghĩ kỹ thì ông này mạnh mẽ thiệt.
Cứ thế, mỗi người một màu sắc, mỗi người một nỗi lòng, chúng tôi đồng hành cùng nhau suốt 3 tháng.
2) Cuộc sống thường nhật bên trong bệnh viện dã chiến:
“Cứ thế mỗi khi tôi buồn người đến bên tôi ngồi, lắng nghe tôi kể …”
Bài hát. Mỗi khi tôi buồn | Thể hiện. Nguyên Hà | Sáng tác. Nguyễn Minh Cường
Mỗi lần giai điệu trong các bài hát của Nguyên Hà vang lên, là tụi con gái phòng tôi lại ngâm nga một cách vô thức …
Lễ online trong bệnh viện dã chiến – phòng tôi có ba đứa theo đạo, tôi và hai cô bạn khác. Buổi lễ Chúa Nhật đầu tiên của chúng tôi cũng là hôm đầu tiên chúng tôi vào bệnh viện dã chiến. Dọn dẹp xong, một giờ sáng, ba đứa lôi đầu nhau ra đi lễ, mặc dù đã sang thứ 2. Đứa nào cũng buồn ngủ, xem được cỡ nửa tiếng, tôi thì thầm với tụi nó : “Hay mình bật tốc độ x2 nhan tụi mày”. Bị ma quỷ cám dỗ, thế là chúng tôi xem xong buổi lễ một tiếng rưỡi trong một tiếng đồng hồ. Những bữa sau chúng tôi không có như thế đâu, chúng tôi còn rủ rê thêm được một cô bạn ngoại đạo cùng xem nữa.
Thất thường như tâm trạng mấy đứa con gái chúng tôi là mấy bữa cơm trong bệnh viện dã chiến. Những bữa cơm ngày thường muốn ăn ngon thì phải xuống thật sớm, không khéo sẽ mất hết phần ngon. Những dịp đặc biệt như sinh nhật của ai đó trong phòng hay trung thu, chúng tôi cũng có mua thêm một ít đồ về ăn và tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ. Tôi thích cảm giác ăn những bữa tiệc đơn giản mà đấm ấm như thế. Về sau này không còn đông đủ thành viên trong phòng, nó cũng lây chút ít gì đó không khí hiu quạnh vào từng bữa cơm. Phần lớn bữa cơm trong phòng chỉ còn 2-3 đứa quây quần lại ăn với nhau, không nhiều nhưng ít nhất nó cũng ấm áp hơn.
3) Nụ cười 9.01:
Nhà hàng xóm, chạc tuổi và vô chung một đợt nên chúng tôi cùng ở chung lầu. Những ngày đầu chúng tôi không hay nói chuyện với nhau. Mà nhờ việc lấy đồ ăn dùm và đi trực chung nên sau này chúng tôi thân hơn. Nhà này thì thuộc dạng khùng điên số dách, mà mấy bé nhà này năng nổ trong việc phá làng phá xóm lắm. Đi chơi về là bấm chuông nhà chúng tôi inh ỏi rồi bỏ chạy, đêm hôm thì ồn ào tới mức bị mấy anh trật tự cầm dùi cui lên cảnh cáo, không có cái hoạt động nào trong bệnh viện mà thấy thiếu bóng dáng cái gia đình nhỏ này. Từ trung thu, lễ hội cắm hoa, … có tụi nhỏ trong hoạt động nào là hoạt động ấy cháy bừng bừng. Tụi nhỏ năng nổ lắm, nhà này cũng có không ít màu sắc.
Tỷ như cô bé tóc dài của phòng tụi nhỏ, nhiều khi thấy khùng điên không ai lại luôn mà tự dưng có lúc thấy u uất chẳng buồn nói chuyện với ai. Cô này chắc cũng giấu không ít nỗi niềm vào lòng, có khi những nỗi buồn của cô đến từ cái lạ đời như “cái quần chưa được treo lên” mà nó vẫn mắc canh cánh trong lòng. Vậy hẳn cô cũng phải cất giấu nhiều thứ kỳ lạ khác trong tâm hồn mình. Mà cô này mạnh mẽ lắm, cổ bao thầu cho sự gọn gàng của phòng 9.01 và cả hành lang lầu 9, cổ tự tin làm đủ mọi trò khùng điên chọc mọi người cười, cổ cũng khóc lớn những lúc không tỉnh táo. Chắc cổ cuốn hút tôi bởi những thứ lạ đời.
Nhà này còn có một cô bé cùng chung ekip với tôi, nhỏ trông lúc nào cũng nhút nhát nhưng mà mỗi lần nhảy thì cháy cực. Mỗi hôm đi trực, nhỏ thường qua rủ tôi đi chung cho đến những ngày làm ở hành chính nhỏ cũng là một trong những người phải đợi tôi sửa chữa cho lỗi sai của mình. Mà nhỏ luôn tử tế và kiên nhẫn đợi tôi. Chắc tôi quý nhỏ vì sự chân thành.
Thêm một cô bé, tôi với ẻm tưởng chừng như chẳng liên quan gì đến nhau. Chúng tôi chẳng trực chung, hẳn vì tôi đã mê tiếng cười sảng khoái của em. Thiệt tình, tôi ước bạn có thể một lần có thể nghe giọng cười đó, như kiểu có thể xoa dịu mọi tổn thương. Hay cười mà em cũng dễ khóc, từ cái nhỏ xíu cũng làm cho em rơm rớm nước mắt. Chắc nụ cười là cách để em giấu nhẹm đi suy nghĩ của mình.
Rồi một cô bé khác thuộc hạng đầu bếp tại gia của phòng đó, nhỏ cân đủ mọi món từ bún bò đến bánh ngọt. Nhỏ rất là tự tin và tử tế, chí ít là dưới góc nhìn của tôi. Một mảnh ghép không thể thiếu làm nên nụ cười 9.01. Chắc tôi quý nhỏ vì nhỏ luôn hết mình với mọi người.
Nhà này có ba cậu con trai, có một cậu nổi lắm. Cậu này thì chịu chơi cực, chưa có cuộc chơi nào mà tôi không thấy cậu. Cậu năng động và nhiệt huyết, thường cậu là người lên tiếng và bảo vệ các bạn nữ trong phòng. Chắc cậu cũng đã phải chịu nhiều áp lực.
Rồi lại có một cậu ít nói cực kỳ, hồi ở dã chiến 6 số lần tôi được nghe cậu nói chắc đếm bằng đầu ngón tay. Tôi cũng thấy lạ lẫm lắm, lần đầu tiên tôi gặp người ít nói đến thế. Có lúc tôi còn nghĩ cậu tự kỷ, cho tới khi tôi gặp cậu này trong chuyến đi hỗ trợ chống dịch ở Vũng Tàu. Cậu là một cây hài đích thực luôn. Chắc phải đúng tần số mới khiến cậu nói chuyện.
Cậu còn lại hay đi lấy cơm và mang sang phòng chúng tôi lắm. Có lần chúng tôi đi khỏi phòng mà không khóa cửa thế là tiện thể cậu vô nằm võng và coi nhà dùm chúng tôi. Cậu này lúc không tỉnh táo cũng làm đủ trò điên khùng. Chắc tại cậu là đứa trẻ nhất nên còn nhiều năng lượng.
3) Sự tử tế:
Điều mà tôi quý nhất ở nhà 9.01 có lẽ là sự tử tế. Tuy nhỏ hơn chúng tôi 1, 2 tuổi nhưng tôi đã học được rất nhiều về cách tử tế của tụi nhỏ. Nhà tụi nhỏ có hai cậu con trai dương tính với COVID-19. Một vài ngày sau, phòng 9.02 chúng tôi có một người anh dương tính với COVID-19, chúng tôi hoang mang và túm lấy một cái cớ không thể vô lý hơn “Tụi nhỏ là F1 gần rồi nên kêu để cho anh ấy qua nhà tụi nhỏ ở đi.” Trong khi chúng tôi cũng là F1 gần, cũng hoang mang và lo sợ – hẳn tụi nhỏ cũng thế. Vậy mà tụi nhỏ vẫn im lặng, chấp nhận và còn đối xử rất tốt với người anh này.
“Những tháng ngày năm đó ta đã cười thật tươi. Mười tám đôi mươi những nụ cười đẹp nhất đời. Dẫu gian khó, dẫu phong ba. Hiên ngang bước, sóng gió sẽ qua.”
Bài hát. NỤ CƯỜI 18 20 | DOÃN HIẾU
Bài hát tụi nhỏ vẫn hay ca lớn. Cách mà gia đình này bước qua “sóng gió” là thứ khiến tôi nể phục, tử tế và chân thành.
4) Sài Gòn hồi phục
Những ngày Sài Gòn “ốm nặng”, bệnh viện dã chiến 6 cũng trở nên quá tải. Bệnh nhân nằm kín hai dãy sát vách tường, lối đi ở giữa cũng được tận dụng xếp hai hàng ghế bố cho bệnh nhân nằm. Đường đi còn lại lúc này hẹp đến mức gần như buổi trực nào cũng có người rách đồ bảo hộ. Ca trực buổi tối, cô bệnh nhân tử vong ở lầu dưới. Tôi cùng một anh chung tua trực, sau khi thu dọn đồ đạc của cô, chúng tôi cùng phụ chị Hạnh đưa cô lên xe cứu thương. Trong lúc chị Hạnh hoàn tất giấy tờ trước khi tiễn cô đi, mọi đồ đạc của cô được đưa lên lầu cho người con trai. Từ góc đứng của chúng tôi, nhìn được một người con đang thút thít và cả chiếc xe cứu thương phía dưới. Anh đang phải thở oxy, ước gì anh có thể khóc thật to, tiếng khóc thút thít làm mọi thứ như bị đè nén. Đầy bối rối và hoang mang – trong lần đầu báo tử, tôi cúi gầm mặt và chẳng hé răng nửa lời. Mọi thông báo đều do người anh trực chung tua nói. Những suy nghĩ miên man thường kéo dài sau mỗi tua trực như thế. Tôi không hiểu rõ gì về cuộc sống của người bệnh, mỗi người lại có một cuộc sống riêng. Họ có thể là gia tài của một ai đó, có thể là nguồn sống của cả một gia đình.
Không chỉ mình tôi, mấy đứa bạn chung tầng hẳn cũng trải qua những ngày u uất như thế. Đường phố Sài Gòn im lìm trong những ngày dịch lan nhanh, hàng ngàn người tử vong trong cuộc chiến khốc liệt này. Để lại không chỉ những ngày tháng đau khổ cho những người đã khuất, đã từng chuyển nặng vì COVID-19 mà còn thêm những vết thương lòng cho người ở lại. Tôi mong rằng những ai còn khỏe mạnh để được tiếp tục bước đi trong cuộc sống này, sẽ luôn tử tế với bản thân, với nhau và cả với thiên nhiên nhiên. Đừng quên đi những đau khổ và mất mát trong cơn đại dịch này, hãy để nó trở thành sức mạnh để dũng cảm bước đi an yên và tử tế trên con đường mình đã chọn. Được trở lại trên đường phố Sài Gòn những ngày nhộn nhịp, thật may, mình vẫn còn được đứng ở đây và gia đình mình cũng thế !
Mình để lại tại đây một chiếc clip nhỏ mình thực hiện, không chuyên nghiệp nhưng mình mong “Món quà nhỏ” này lưu lại một phần kỷ niệm tuổi trẻ của tôi và bạn.
Một ngày rồi tôi và bạn, chúng ta đều rồi đều sẽ chết. Nếu ngày ấy đến, bạn và tôi, chúng ta có mỉm cười và bắt đầu một chuyến phiêu lưu mới hay không ?
“After all, to the well-organized mind, death is but the next great adventure.”
Albus Dumbledore, Harry Potter and the Sorcerer’s Stone.
Be kind,
Phương Vũ.